Nhận biết và phòng ngừa bệnh sốt rét

31-08-2019 08:56 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, nếu người mắc bệnh không được điều trị kịp thời, nguồn bệnh sẽ lây từ người bệnh sang người lành.

Các đối tượng bị nhiễm bệnh lần đầu thường không gặp các cơn sốt điển hình, trong khi lại xuất hiện các triệu chứng khác, khiến người bệnh dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm, sốt xuất huyết.

Triệu chứng của bệnh sốt rét

Sốt cao liên tục là triệu chứng của bệnh sốt rét.

Cơn sốt rét điển hình: thể hiện qua 3 giai đoạn gồm rét run, sốt nóng và toát mồ hôi.

Cơn sốt rét không điển hình: nhức đầu, mệt mỏi, người bệnh sẽ cảm thấy ớn lạnh và hay ngáp vặt.

Sốt rét lâm sàng phải đủ 4 yếu tố sau: có đầy đủ triệu chứng của cơn sốt rét điển hình, hoặc có triệu chứng của cơn sốt rét không điển hình, sốt cao liên tục. Các trường hợp sốt không rõ nguyên nhân gây sốt khác, hoặc có sốt trong 3 ngày gần đây. Ở trong khu vực đang có dịch sốt rét lưu hành ít nhất trong thời gian là 14 ngày hoặc trong vòng 2 năm gần đây có tiền sử mắc sốt rét. Đáp ứng với thuốc điều trị sốt rét.

Sốt rét chưa biến chứng - sốt rét thể thông thường: trường hợp này người mắc bệnh không có xuất hiện các triệu chứng đe dọa tính mạng. Việc chẩn đoán sẽ dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm

Sốt rét biến chứng- sốt rét ác tính: trong trường hợp này, người mắc bệnh sốt rét sẽ xuất hiện biến chứng đe dọa tới tính mạng. Dấu hiệu nổi bật là rối loạn ý thức, sốt cao liên tục trong nhiều ngày, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều hoặc nôn.

Nhận biết và phòng ngừa bệnh sốt rétCán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý lăng quăng tại Cư M’gar, Đăk Lăk.

Điều trị bệnh sốt rét như thế nào?

Khi mắc bệnh sốt rét người bệnh tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, tránh trường hợp lây nhiễm bệnh sang người lành, bên cạnh đó nếu tình trạng bệnh kéo dài, không thuyên giảm sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho người bệnh.

Đăk Lăk: 15/15 huyện, thị xã có người mắc sốt rét

Theo ThS.BS. Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng thuộc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk: Hiện nay, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Đăk Lăk có 445 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có 2 ca mắc sốt rét ác tính. Tất cả các huyện, thị xã của tỉnh đều có bệnh nhân mắc sốt rét. Có số mắc cao nhất là huyện Ea Kar với 174 trường hợp mắc bệnh, Krông Năng 109 bệnh nhân, Ea H’Leo 16 bệnh nhân, M’Đrăk 30 bệnh nhân... và ngoại tỉnh 6 bệnh nhân. Đỉnh điểm có giai đoạn chỉ trong một tuần, cả tỉnh phát hiện 10 bệnh nhân mắc sốt rét.
Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phải thực hiện điều trị quan sát trực tiếp tức là khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh sẽ được uống thuốc hoặc tiêm thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Việc chỉ định phương pháp điều trị quan sát trực tiếp áp dụng cho tất cả các trường hợp bị sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium với thể bệnh thông thường. Phương pháp này không áp dụng cho những người mắc sốt rét ác tính.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh nhân sốt rét bị nhiễm ký sinh Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp Plasmodium falciparum (bệnh nhân sốt rét thể thông thường) phải sử dụng thuốc điều trị, nếu thuốc không đáp ứng hiệu lực mới sử dụng thuốc điều trị thay thế.

Đối với bệnh nhân bị sốt rét biến chứng:

Người nhiễm bệnh tại các thôn bản: uống 1 liều thuốc sốt rét phối hợp, đồng thời khẩn trương chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Người nhiễm bệnh điều trị tại các trạm y tế xã: Cần tiêm ngay artesunat tĩnh mạch. Trong trường hợp không tiêm được tĩnh mạch thì tiêm bắp. Sau đó chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trong trường hợp người bệnh đang có hiện tượng co giật hoặc bị sốc, phù phổi cấp thì tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân

Người bệnh điều trị tại bệnh viện: trong giờ đầu tiêm artesunat tĩnh mạch 2,4mg/kg cân nặng, sau 24h tiêm nhắc lại 1,2mg/kg cân nặng. Sau đó tiêm mỗi ngày 1 liều 1,2mh/kh cân nặng đến khi người bệnh có thể uống được thì chuyển sang uống thuốc trong 7 ngày.

Người mắc bệnh sốt rét tuyệt đối phải dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ và các nhân viên y tế, không tự ý chữa bệnh tại nhà. Việc điều trị sớm, đúng và đủ liều sẽ giúp cho người bệnh sớm khỏi bệnh và không tốn kém vô ích. Ngoài các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh, biện pháp điều trị bệnh cũng góp phần rất quan trọng cần phải được các cơ sở y tế quan tâm.

Phòng ngừa bệnh sốt rét

Tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét, khi bị sốt người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Ngủ màn kể cả ở nhà, nương rẫy hoặc ngủ trong rừng.

Phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất:

Diệt muỗi bằng phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi mỗi năm một lần vào trước mùa mưa

Xoa kem xua muỗi

Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài vào buổi tối

Hạn chế bọ gậy: khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước

Uống thuốc dự phòng: các nước sốt rét lưu hành nặng có chủ trương uống thuốc dự phòng cho những người vào vùng sốt rét ngắn ngày, phụ nữ có thai ở vùng sốt rét, người mới đến định cư tại vùng sốt rét. Ở nước ta hiện nay, do bệnh sốt rét đã giảm mạnh nên không uống thuốc dự phòng mà chỉ cấp thuốc cho các đối tượng trên để tự điều trị khi đã mắc bệnh sốt rét.

An toàn truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc đã sống trong vùng sốt rét.


BS. Huy Nam
Ý kiến của bạn