Hà Nội

Nhận biết và dự phòng lao sơ nhiễm

24-08-2014 15:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Lao sơ nhiễm (LSN) là một tình trạng bệnh lý biểu hiện của một cơ quan trong cơ thể sau lần đầu tiên tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Lao sơ nhiễm (LSN) là một tình trạng bệnh lý biểu hiện của một cơ quan trong cơ thể sau lần đầu tiên tiếp xúc với vi khuẩn lao. Trong những trường hợp không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ có thay đổi sinh học với bằng chứng là có phản ứng dương tính với Tuberculin thì được gọi là nhiễm lao hay lao sơ nhiễm tiềm tàng.

Nếu điều trị không kịp thời, lao sơ nhiễm gây biến chứng tổn thương lên phổi: viêm phổi do lao, xẹp phổi, lao phế quản, lao phổi, lao kê phổi, lao xương, lao màng phổi… và hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Cần phải hiểu rõ lao sơ nhiễm để có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả tránh xảy ra những biến chứng đánh tiếc.

Xảy ra trên những đối tượng nào?

Theo thống kê, trong số 100 người lao sơ nhiễm, khoảng 10 người sẽ trở thành bệnh nhân lao. Ở Việt Nam, lao sơ nhiễm thường xảy ra ở trẻ nhỏ lúc sinh ra không được tiêm ngừa lao, cụ thể là không được tiêm ngừa BCG và đa số trường hợp chỉ thể hiện bằng triệu chứng không đặc hiệu. Nguồn lây rất quan trọng trong sự xuất hiện của lao sơ nhiễm. Những người lao phổi tìm thấy trực khuẩn lao trong đờm bằng phương pháp soi trực tiếp là nguồn lây nguy hiểm. Sự tiếp xúc gần gũi với nguồn lây cùng sống trong một gia đình, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc trẻ như người mẹ, người bà bị lao sẽ làm cho trẻ dễ bị lao sơ nhiễm. Trẻ không tiêm vắc-xin BCG có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ đã tiêm.Tuy nhiên, trẻ đã được tiêm vắc-xin tiếp xúc gần gũi với nguồn lây mạnh vẫn có khả năng lây bệnh. Hiệu quả bảo vệ của BCG khoảng 80%. Suy giảm sức chống đỡ của cơ thể: các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virút đặc biệt là nhiễm HIV, suy dinh dưỡng gây suy giảm hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương sơ nhiễm bằng ba con đường:

Hô hấp: do hít phải các giọt nước bọt chứa vi khuẩn lao mà người bị lao phổi ho khạc ra.

Tiêu hóa: lây nhiễm do uống phải sữa tươi của bò bị lao vú chưa tiệt trùng hoặc tiệt trùng không đúng cách, hay nuốt phải vi khuẩn lao lẫn trong thức ăn, đồ uống khác. Thể đặc biệt là lao sơ nhiễm bẩm sinh, do thai nhi nuốt phải nước ối hoặc dịch âm đạo có vi khuẩn lao từ người mẹ bị lao nội mạc tử cung hoặc lao âm đạo.

Da niêm mạc: lây nhiễm theo đường này hiếm gặp hơn, vi khuẩn lao có thể xâm nhập những vùng da xây xát, chảy máu hoặc những vùng niêm mạc mắt, họng... bị tổn thương. Vi khuẩn lao gây tổn thương sơ nhiễm ở nơi xâm nhập: phế nang phổi, niêm mạc ruột, mắt, họng… hoặc hình thành ổ loét sơ nhiễm, sau đó theo đường bạch huyết lan vào các hạch khu vực, phát triển ở đây tạo thành phức hợp sơ nhiễm.

Các dấu hiệu để nhận biết

Đa số bệnh nhân lao sơ nhiễm có triệu chứng âm thầm như: sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đổ mồ hôi lúc ngủ dù trời lạnh. Những thể nặng có sốt dao động, thân nhiệt thay đổi trên dưới 380C và nhiều biểu hiện toàn thân hơn.

Triệu chứng hô hấp: ho dai dẳng, có thể lúc đầu ho khan sau đó ho đàm, hoặc ho ra chất như bã đậu. Khi hạch lớn có thể gây chèn ép: bệnh nhân khò khè khó thở. Ngoài ra, lao sơ nhiễm còn biểu hiện nơi khác như: đau bụng, tiêu chảy kéo dài, có hạch trong ổ bụng.

Triệu chứng khác: ở trẻ nhỏ còn gặp hồng ban nút và viêm kết giác mạc phỏng nước do phản ứng dị ứng với vi khuẩn lao. Hồng ban nút là những nốt nằm ở hạ bì, chắc, đầu tiên có màu đỏ sau chuyển sang màu tím giống như khi da bị đụng dập, đau tự nhiên hoặc chỉ đau khi sờ nắn. Những nốt này tập trung ở mặt trước hai cẳng chân, mất đi sau khoảng 10 ngày, có thể xuất hiện lại đợt khác. Viêm kết giác mạc phỏng nước: một đám tổn thương nốt nhú xung quanh đỏ nằm ở nơi tiếp giáp củng giác mạc, có thể loét tạo thành sẹo giác mạc.

Lao sơ nhiễm ở ruột: biểu hiện các dấu hiệu giống viêm ruột thừa hoặc tiêu chảy kéo dài. Muộn hơn sờ thấy hạch trong ổ bụng.

Lao sơ nhiễm ở da niêm mạc: thông thường phát hiện một tổn thương thâm nhiễm hoặc loét không đau và viêm nhóm hạch khu vực lân cận.

Cận lâm sàng: phản ứng Mantoux. Phản ứng có giá trị chẩn đoán lao sơ nhiễm khi dương tính ở những trẻ chưa tiêm BCG. Chụp phổi: trên phim quy ước cho thấy phức hợp sơ nhiễm. Ổ loét sơ nhiễm (còn gọi là ổ Ghon) thường nằm ở thùy dưới phổi phải. Là một nốt mờ tròn, không đồng đều bờ không rõ, đường kính thay đổi từ 5 - 20mm. Vi khuẩn lao: tìm thấy trong đờm, trong dịch dạ dày và trong dịch phế quản.

Điều trị

Mục tiêu hiện là trong công tác phòng và chống lao sơ nhiễm là không để xảy ra nhiễm lao, phục hồi sức lao động, địa vị trong gia đình và xã hội.

Trong lao sơ nhiễm: nếu chỉ chuyển phản ứng da dương tính, không tiêm BCG, không có dấu hiệu lâm sàng và X-quang: dùng thuốc uống Izoniazid với liều 5mg/kg thể trọng, dùng trong 12 tháng.

Trường hợp, có đủ dấu hiệu lâm sàng và X-quang, chuyển phản ứng: điều trị đặc hiệu theo phác đồ 2RHZ/4RH. (H.Isoniazide, R.Rifampicine, Z.Pyrazinamide). Cần điều trị đủ liều, đúng thời gian, không bỏ thuốc. Bên cạnh việc điều trị thuốc đặc trị cần thiết phải điều trị triệu chứng. Đảm bảo dinh dưỡng tốt bao gồm các chất đạm, đường, chất béo, các vitamin và chất khoáng, nhằm khôi phục và nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ em, chú trọng sữa mẹ và dinh dưỡng cho trẻ tốt.

Dự phòng như thế nào?

Ngày nay công tác phòng chống lao, được nhà nước ta quan tâm rất chặt chẽ. Đặc biệt là chương trình tiêm chủng bắt buộc cho mọi trẻ sơ sinh sau khi được sinh ra phải được tiêm ngừa lao trong tháng đầu đời của trẻ. Tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh là biện pháp tốt ngăn chặn lao sơ nhiễm.

Những người có tiếp xúc với người bệnh lao phổi thì nên được khám tầm soát lao, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì tất cả thành viên trong gia đình nên được kiểm soát lao, đặc biệt là trẻ nhỏ, dù cho không có triệu chứng gì, vì một số trường hợp trẻ sẽ không có triệu chứng gì cho đến khi cơ thể phát bệnh lao nặng. Nếu trong gia đình có người bệnh lao phổi thì cần áp dụng các biện pháp vệ sinh để tránh lây nhiễm lao cho người khác (ở phòng riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên). Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh lao phổi. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể (chống suy dinh dưỡng). Giữ nhà cửa thông thoáng.

BS. NGUYỄN HUY THUẬN


Ý kiến của bạn