1. Thế nào là nấm ống tai ngoài?
Bệnh nấm ống tai ngoài có triệu chứng như ngứa tai, thấy ướt ở trong tai còn thấy có tạo màng vảy trong ống tai. Những màng vảy này là do lớp biểu bì ống tai ngoài bong tróc ra kết hợp với vi nấm tạo thành gây bít tắc ống tai ngoài hoặc bám vào vào màng nhĩ làm giảm thính lực và ù tai.
Nếu không được lấy đi và điều trị chúng sẽ tích tụ càng ngày càng nhiều, phủ kín ống tai gây khó khăn cho điều trị bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh nấm tai ngoài
Đây là bệnh do nhiễm nấm chủ yếu chỉ ở ống tai ngoài. Nấm gây bệnh phổ biến nhất là Aspergillus, Candida Albicans. Nấm thường xuất hiện trên ráy tai ẩm ướt nhiễm khuẩn và mọc trên một viêm tai ngoài do vi khuẩn trực trùng mủ xanh.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh:
- Người sinh sống ở khu vực có khí hậu nóng ẩm;
- Người hay đi bơi;
- Hay lấy ráy tai hay phẫu thuật ống tai ngoài;
- Sử dụng kháng sinh hoặc corticoid tại chỗ;
- Bị suy dinh dưỡng;
- Những người bị viêm âm đạo do nấm cũng có thể dễ bị viêm tai ngoài do nấm.
3. Nhận biết nấm tai ngoài
- Triệu chứng đầu tiên điển hình là ngứa tai nên người bệnh thường xuyên dùng ngón tay ngoáy và nghiêng đầu, đập tay vào tai.
Giai đoạn đầu bệnh gây ngứa ở sâu trong tai với cảm giác sưng tấy rất khó chịu. Nhiều khi thấy chảy dịch ra ngoài hoặc ngoáy tai thấy có dịch ướt màu nâu vàng.
Dần dần lớp biểu bì ống tai bị bong tróc hòa trộn cùng với tổ chức nấm hình thành vảy và làm bít hẹp ống tai, che lấp màng nhĩ khiến người bệnh bị ù tai và giảm thính lực.
Trong trường hợp có nhiễm trùng cơ hội kết hợp gây viêm ống tai sẽ xuất hiện cảm giác sưng đau và đau tăng lên khi ấn vào tai hoặc kéo vành tai.
- Khi khám lâm sàng bác sĩ thấy từng đám hay một lớp trắng đục bám ở ống, màng tai; rất dễ lầm với mủ tai trong trường hợp có viêm tai giữa; khối trắng đục lấp một phần hay cả ống tai ngoài.
Nhìn sâu vào trong tai bằng đèn soi sẽ thấy rõ tổ chức nấm mọc chi chít với đủ các loại màu như trắng, xám tro... Vảy này khi bong ra có dạng hình ống hoặc dạng cục.
- Nhiều trường hợp ở trẻ em cục nấm phát triển gây bịt kín ống tai ngoài, khiến trẻ có thể có các biểu hiện kêu ù tai, nghe kém một bên; hay với các trẻ nhỏ là biểu hiện nghiêng đầu phía tai lành về nơi phát âm để nghe cho rõ.
Khi thấy các biểu hiện này các bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám bệnh và điều trị nấm tai và các bệnh chuyên khoa nếu có.
4. Điều trị nấm ống tai ngoài
Sau khi đã được chẩn đoán là nấm ống tai ngoài bệnh nhân cần được lấy bỏ tổ chức nấm và lau sạch ống tai và màng tai. Bước này rất cần thiết và phải làm cẩn thận để cho kết quả tốt khi điều trị sau này. Bệnh nhân được rửa tai với nước oxy già cùng với acid boric 10%. Cần làm liên tục vài ngày, mỗi ngày 1 đến 2 lần tại cơ sở điều trị chuyên khoa).
Có thể bôi:
- Methylen 2%,
- Cồn Acid salicylic 3%,
- Cồn Phenol oxalic xạ hương 1%,
- Cồn Acid picric 2%,
- Mỡ kháng nấm hoặc thổi bột acid boric vào tai để diệt vi nấm.
Việc điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc chống nấm: imidazol và polyenique. Trong hai nhóm này, nhóm imidazol được sử dụng nhiều hơn vì phổ rộng và đặc biệt có tác dụng với nấm aspergillus. Nếu nhiễm nấm nặng có thể dùng thuốc chống nấm toàn thân.
Nấm ống tai ngoài thường dai dẳng và khó trị cho nên dùng phải đúng thuốc và điều trị lâu dài. Có thể điều trị các bệnh chuyên khoa Tai Mũi Họng khác phối hợp như viêm tai giữa mạn tính, viêm mũi họng, VA…
5. Cách ngăn ngừa bệnh nấm tai
Để ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm nấm tai ngoài hiệu quả, nên:
- Giữ cho ống tai luôn được khô, sạch đặc biệt là mùa hè, mùa mưa ẩm như hiện nay;
- Không nên lau tai nhiều lần quá làm mất lớp miễn dịch tự nhiên ở tai ngoài.
- Không để nước vào tai trong khi bơi;
- Lau tai khô sau khi tắm;
- Tránh để da trầy xước bên trong tai;
- Không nên lạm dụng kháng sinh, corticoid;
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng;
- Điều trị triệt để các bệnh nấm toàn thân khác tránh làm nhiễm nấm ống tai như các bệnh nấm âm đạo, nấm lưỡi, nấm mi mắt…;
- Khi bị nhiễm nấm thì phải điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát.
Mời xem video được quan tâm:
Vaccine Pfizer Và Moderna Có Thể Gây Những Phản Ứng Phụ Nào Cho Trẻ 5-11 Tuổi? | SKĐS