Nhận biết và điều trị giác mạc hình chóp

26-04-2022 07:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Giác mạc hình chóp làm cho giác mạc phần phía dưới bị giãn phình ra và tiêu mỏng. Khi bị giác mạc hình chóp người bệnh thường có thị lực yếu và rất dễ bị nhầm với loạn, cận thị, nhược thị. Tuy là bệnh ở mắt hiếm gặp nhưng lại gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

1. Bệnh giác mạc hình chóp là gì?

Giác mạc là bộ phận nằm phía trước nhãn cầu, có cấu tạo mỏng, trong suốt. Khi mắt hoạt động bình thường, giác mạc sẽ trong suốt và cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi mắt. Còn ở người có bệnh lý giác mạc hình chóp, phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới của giác mạc sẽ bị tiêu mỏng, giãn phình ra.

Đây là tình trạng lồi ra của giác mạc, tạo thành giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón. Các nhà khoa học giải thích đây là do các sợi protein nhỏ trong mắt (collagen) vốn làm nhiệm vụ giữ giác mạc ở đúng vị trí. Khi những sợi protein này yếu đi, chúng không còn khả năng giữ cho giác mạc đúng hình dạng mà ngày càng biến dạng thành hình nón, hình chóp.

Bên cạnh đó, khi cơ thể không còn đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc cũng khiến giác mạc bị giãn và biến dạng phồng lên

Nhận biết và điều trị giác mạc hình chóp - Ảnh 2.

Hình ảnh giác mạc bình thường ( trái) và giác mạc hình chóp (phải)

2. Nguyên nhân gây bệnh giác mạc hình chóp

Hiện chưa rõ hết các nguyên nhân chính xác gây giác mạc hình chóp. Tuy nhiên, bệnh liên quan đến một số yếu tố:

-Độ tuổi: Thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên và tùy từng người sẽ có tiến triển khác nhau

-Thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân, hen suyễn, eczema, hay day dụi mắt…

-Di truyền: Hay gặp ở những gia đình có người có khiếm khuyết di truyền làm các sợi collagen trong giác mạc bị suy yếu.

-Tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, môi trường ô nhiễm khói bụi gây ra các bệnh dị ứng ở mắt cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh giác mạc hình chóp.

-Nội tiết tố: Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển ở sau độ tuổi dậy thì. Bệnh cũng có xuất hiện ở phụ nữ có thai.

-Bị một số rối loạn: Có mối liên hệ giữa bệnh giác mạc hình chóp và các loại bệnh toàn thân: hội chứng Down, khiếm khuyết tạo xương, hội chứng Ehlers-Danlos, viêm võng mạc sắc tố

3. Dấu hiệu và biến chứng của bệnh giác mạc hình chóp

-Biểu hiện đầu tiên, đặc trưng của giác mạc hình chóp là thị lực mờ, thay kính liên tục và nhạy cảm với ánh sáng… Bệnh ảnh hưởng đến cả hai mắt và bắt đầu xuất hiện thường từ 10 tuổi trở lên.

-Khi bị giác mạc chóp tầm nhìn có thể bị thay đổi: Khi giác mạc thay đổi từ hình cầu sang hình chóp, bề mặt nhẵn sẽ trở nên gợn sóng, lúc đó được gọi là loạn thị không đều.

-Tình trạng cận thị càng tiến triển nặng hơn, chỉ có thể nhìn rõ các vật thể khi chúng ở gần; nhìn xa hơn, sẽ thấy mọi thứ mờ ảo, méo mó.

-Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

  • Hiện tượng song thị, nhìn đôi: nhìn 1 vật thành 2;
  • Nhìn các vật thể ở gần và xa bị mờ;
  • Vệt sáng
  • Luôn cảm giác có quầng sáng xung quanh bóng đèn;
  • Tầm nhìn bị mờ gây khó khăn khi điều khiển xe và các hoạt động khác

- Những biến chứng của bệnh giác mạc hình chóp:

  • Bệnh làm giảm thị lực đột ngột,
  • Gây sẹo giác mạc do giác mạc phồng lên nhanh,
  • Thậm chí có thể gây mù lòa…

4. Phương pháp điều trị

Nhận biết và điều trị giác mạc hình chóp - Ảnh 3.

Có thể dùng kính áp tròng cứng để điều trị giác mạc hình chóp

-Trường hợp bị nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thay kính mới để khắc phục tình trạng nhìn mờ, hoặc tư vấn đeo kính áp tròng cứng. Sử dụng kính áp tròng cứng sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân. Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể kê kính với các thông số khác nhau để bệnh nhân đạt thị lực tốt nhất.

-Tuy nhiên, theo thời gian bệnh tiến triển, người bệnh có thể cần các phương pháp điều trị khác để cải thiện thị lực như: liên kết chéo collagen giác mạc có thể ngăn bệnh tiến triển. Hoặc phương pháp phân đoạn vòng trong giác mạc dưới bề mặt giác mạc để làm phẳng hình chóp và cải thiện thị lực cho bệnh nhân.

-Khi các phương pháp điều trị trên không giúp cải thiện thị lực, cross linking là chỉ định phẫu thuật duy nhất có thể làm chậm tiến triển giác mạc chóp. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng vitamin B2 nhỏ lên giác mạc đồng thời dùng tia cực tím chiếu để làm tăng độ chắc của giác mạc.

-Cuối cùng, khi bệnh ở giai đoạn muộn, bác sĩ sẽ chỉ định ghép giác mạc. Đây là một phương pháp phẫu thuật an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Bệnh nhân có thể phải dùng kính áp tròng sau đó.

5. Phòng ngừa giác mạc hình chóp được không?

Không thể phòng ngừa giác mạc hình chóp, tuy nhiên cần áp dụng một số biện pháp để kiểm soát bệnh tránh bệnh nặng hơn:

-Tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ nhãn khoa. Đến khám mắt nếu có bất cứ thay đổi thị lực hay xuất hiện các triệu chứng mới khác.

-Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

-Tránh các nguyên nhân gây dị ứng.

-Dùng kính bảo vệ mắt khi bơi lội, chơi thể thao và đi đường.

Tóm lại: Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần phải thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng từ đó thay đổi các thông số kính phù hợp. Khi dùng kính tiếp xúc cần tuân thủ hướng dẫn, vệ sinh và bảo quản kính tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng.

Viêm giác mạc sợi chữa thế nào?Viêm giác mạc sợi chữa thế nào?

Theo thư mô tả thì trước đó bác bị chấn thương mắt, nơi đây có tuyến nước mắt. Như vậy rất có thể tuyến nước mắt đã bị tổn thương. Khi bị chấn thương, tuyến này tiết ra ít nước mắt nên mắt trở nên khô.

Mời xem video được quan tâm:

Cảnh báo di chứng kéo dài hậu Covid có thể thành hội chứng phổ biến | SKĐS


BS.Minh Châu
Ý kiến của bạn