1. Cần nhận biết đúng chắp hay lẹo
Chắp và lẹo đều có biểu hiện là những gờ sưng nổi lên trên hoặc ngay bờ mi mắt. Đây là hai bệnh rất khó phân biệt, nhiều người bị nhầm lẫn.
- Triệu chứng của lẹo: Khi lẹo mới xuất hiện, mi mắt sẽ hơi sưng, đỏ, kèm theo cảm giác ngứa và đau. Sau đó chỗ sưng nổi lên một khối rắn như hạt gạo, bệnh nhân bị chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở trong mắt.- Các triệu chứng của chắp: Mắt đỏ, đau, sưng, khó chịu ở bề mặt kết mạc và thường ít gây đau, khi sờ có cảm giác cứng hơn lẹo. Chắp sẽ xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau sau vài ngày. Chắp lớn dần trên mi mắt thành một khối màu đỏ trên mi mắt hoặc xám dưới kết mạc mi. Khi chắp lớn sẽ tì lên bề mặt nhãn cầu và làm mờ mắt. Nhiều khi mi mắt cũng đột ngột bị sưng lên do chắp.
2. Đối tượng nào dễ bị chắp, lẹo?
Hầu như ai cũng có thể bị chắp hoặc lẹo, tuy nhiên nếu bị viêm bờ mi thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác như:
- Trước đây đã từng bị chắp hoặc lẹo
- Người có cơ địa có mụn trứng cá đỏ hay viêm da tiết bã
- Có những bệnh toàn thân khác như đái tháo đường
- Không tẩy trang sạch vùng mắt
- Dùng mỹ phẩm hết hạn để lâu hoặc nhiễm bẩn, không vệ sinh vùng mắt
3. Nguyên nhân gây chắp, lẹo mắt
Lẹo hình thành từ sự nhiễm trùng ở vùng chân lông mi nên gây cảm giác đau, khó chịu. Ngoài ra, lẹo còn được gây ra bởi sự viêm nhiễm lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có, hay trong các ống tuyến nhờn đã bị nhiễm trùng.
Còn chắp hình thành do sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt nên có thể không gây đau. Tuy nhiên, lẹo không điều trị khỏi nhiều khi sẽ chèn vào các ống tuyến của mi mắt và gây ra chắp. Ngoài ra, chắp cũng có thể có tình trạng nhiễm trùng thứ phát.
4. Điều trị chắp, lẹo
Dựa vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh toàn thân giúp tiêu mủ và kết hợp rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
Đối với những lẹo to hoặc lẹo dai dẳng bác sĩ có thể sử dụng corticoid. Bác sĩ cũng có thể chích lẹo hoặc kết hợp cả hai phương pháp.
Lưu ý: Người bệnh luôn rửa tay trước khi tra thuốc nhỏ mắt. Các thuốc sử dụng tra mắt phải được giữ sạch sẽ, không dùng lại thuốc cũ, thuốc đã để lâu và tuyệt đối dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi mới lên chắp, có thể chườm nóng nhằm giảm đau. Bác sĩ sẽ chỉ định cho chích đối với chắp to hoặc chắp dai dẳng. Do chắp thường nằm sâu ở mi nên khi chích bác sĩ phải loại bỏ thật sạch các chất nhầy để tránh tái phát bệnh.
Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách. Bệnh sẽ tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh mắt đúng cách. Tuyệt đối không chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo chỉ định vì dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, hoặc để lại sẹo xấu gây quặp mi cho mắt.
Cần lưu ý, ung thư biểu mô tuyến bã cũng có thể bị chẩn đoán nhầm là chắp. Chính vì vậy, nếu xuất hiện chắp dai dẳng, kéo dài, tái phát nhiều lần hoặc có nghi ngờ, đặc biệt là ở người lớn tuổi, cần xét nghiệm mô bệnh học.
5. Bệnh chắp, lẹo có lây truyền?
Lẹo và chắp mắt cũng có thể lây từ người này sang người khác nếu sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Do đó người bệnh cần lưu ý:
- Luôn vệ sinh rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng mắt để tra thuốc.
- Không nên dùng kính áp tròng, không trang điểm khi bị lên lẹo và chắp
- Không dùng lại thuốc cũ, thuốc đã để lâu;
- Không tự ý nặn mủ hay tra thuốc kháng sinh không theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bệnh nhân bị chắp và lẹo tái phát nhiều lần nên đi khám để tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị.
6. Làm sao phòng tránh được chắp, lẹo?
- Không nên chà tay lên mắt vì có thể gây kích ứng mắt và nhiễm trùng lây lan.
- Đeo kính mỗi khi ra đường để bảo vệ mắt.
- Hạn chế đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí.
- Tẩy trang sạch sẽ sau khi trang điểm mắt.
- Nên chữa trị tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng mí mắt kịp thời tránh lây lan sang các tuyến dầu của mí mắt.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn lau, hoặc đồ trang điểm mắt.
- Rửa tay thường xuyên và tránh động vào mắt.