Nhận biết và đề phòng viêm xung huyết hang vị dạ dày

17-01-2023 10:52 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm hang vị xung huyết là tình trạng niêm mạc vùng hang vị của dạ dày bị viêm, các mạch máu giãn nở do ứ máu nhiều tại đây. Bệnh nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể chuyển thành mạn tính và gây nguy hiểm.

Nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị

Dạ dày có hình dạng chữ J chia làm 5 phần chính: đó là tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và tận cùng là môn vị; Dạ dày có bờ cong lớn và bờ cong nhỏ. Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị.

Viêm hang vị xung huyết có thể do nguyên nhân:

  • Dùng một số thuốc có tác động xấu vào niêm mạc dạ dày như corticoid (prednisolon, dexamethason…), hoặc thuốc giảm đau (aspirin), hoặc thuốc giảm đau không steroid (mobic, meloxicam, diclophenac…).
  • Phần lớn viêm xung huyết hang vị là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
  • Ngoài ra, viêm xung huyết hang vị còn có thể do dùng rượu, bia quá nhiều, nhất là uống vào lúc đói.
  • Căng thẳng thần kinh, bị stress liên tục, mất ngủ triền miên…
  • Một số yếu tố khác liên quan đến viêm hang vị xung huyết là: lạm dụng các chất kích thích (cà phê, thuốc lá ) hoặc gia vị (ớt, hạt tiêu, bồ tạt…).
Nhận biết và đề phòng viêm xung huyết hang vị dạ dày - Ảnh 1.

Đau và đầy bụng là hai triệu chứng điển hình của bệnh.

Biểu hiện của viêm xung huyết hang vị

- Đau bụng cồn cào ở vùng trên rốn, sát với xương ức (vùng thượng vị). Đau có thể âm ỉ nhưng đa số đau nhiều, khó chịu, nhất là về đêm. Đau có thể lan lên ngực, vai, sau lưng, thắt lưng.

- Đau xuất hiện hoặc tăng lên khi thay đổi thời tiết nhất là áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc tràn về. Lúc no đau nhiều hơn lúc đói do thức ăn và dịch vị nhiều tác động vào niêm mạc hang vị.

- Kèm theo đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

Viêm xung huyết hang vị, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc điều trị không đúng phác đồ có thể đưa đến loét, thủng và nguy hiểm hơn là ung thư hang vị rất nguy hiểm.

Làm thế nào để chẩn đoán?

Để chẩn đoán viêm hang vị xung huyết bác sĩ có thể chỉ định chụp Xquang có thuốc cản quang nhưng tốt hơn là nội soi dạ dày.

Nội soi dạ dày thấy được vị trí, tình trạng xung huyết của niêm mạc hang vị ngoài ra, khi cần, có thể bấm sinh thiết để xét nghiệm tế bào xác định tế bào lạ, xác định vi khuẩn Helicobacter pylori bằng nhuộm Gram, test ureaza hoặc bằng phản ứng sinh học phân tử (PCR)…

Điều trị bệnh có khó?

Để điều trị có hiệu quả, phải xác định nguyên nhân gây bệnh và trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt nhất. Người bệnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người nhà khi không có chuyên môn về y học. Cần dùng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình: uống đúng liều lượng không tự ý ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày cần kiên trì, không nóng vội và không quá lo lắng.

- Nếu xác định có vi khuẩn HP, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn là hết sức cần thiết; Ngoài việc sử dụng kháng sinh (nếu có vi khuẩn HP) cần có các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống tiết dịch vị, thuốc giảm đau và thuốc an thần người bệnh cần dung thuốc một cách nghiêm túc.

- Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh mỳ, bánh ngọt (có khả năng hút dịch vị để tống xuống ruột làm giảm sự kích thích của chúng) hay uống một ly sữa nhỏ sẽ tạm thời làm giảm cơn đau hoặc chườm ấm bụng.

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền về bệnh tật của mình, mỗi ngày nên được ngủ ít nhất từ 7 – 8 giờ.

Nhận biết và đề phòng viêm xung huyết hang vị dạ dày - Ảnh 2.

Nên tập nhẹ nhàng để giảm stress và nâng cao sức khỏe.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh viêm xung huyết hang vị cần:

  • Có chế độ ăn uống hợp lý (không ăn nhanh, không ăn vội vàng, phái ăn chậm, nhai kỹ.
  • Nên ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, không ăn, uống quá no,
  • Sau khi ăn uống xong không nên lao động, vận động ngay (chơi thể thao, đá bóng, chạy…).
  • Hạn chế ăn chua cay (dấm, ớt, bồ tạt, hạt tiêu…).
  • Không uống rượu, bia, nước ngọt có hơi (gas) khi đói.
  • Không hút thuốc, không nên uống quá nhiều cà phê, trà đặc.
  • Nếu có bệnh cần dùng thuốc phải tuân theo lời dặn của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có hại cho dạ dày (aspirin, corticoid…).
  • Nên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn hàng ngày: đi bộ, bơi, yoga…
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràngDấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng

SKĐS - Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ có người lớn mới viêm loét dạ dày tá tràng, còn trẻ em sẽ không mắc. Tuy viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em không phải là bệnh lý nhi khoa phổ biến, nhưng trong những năm gần đây số lượng trẻ mắc bệnh này có xu hướng tăng lên rõ rệt.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Dự Báo Thời Tiết Từ 15 - 18/1: Bắc Bộ Và Bắc Trung Bộ Trời Rét Đậm, Vùng Núi Rét Hại | SKĐS

BS. Nguyễn Phương Anh
Ý kiến của bạn