Nhận biết và đề phòng viêm phế quản co thắt

19-02-2022 14:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Viêm phế quản co thắt là bệnh hô hấp hay gặp ở trẻ em và người già, nhất là vào thời điểm giao mùa. Bệnh gây ho nhiều khó thở, có thể biến chứng viêm tai giữa, thậm chí suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm phế quản co thắt là gì? Bệnh có lây không?

Viêm phế quản co thắt là tình trạng viêm phế quản đã trở nặng, làm thu hẹp tạm thời lòng phế quản. Nguyên nhân do các cơ trơn phế quản bị viêm làm cản trở quá trình lưu thông không khí trong phổi khiến cho người bệnh ho nhiều, khó thở, khạc đờm, thở khò khè….

Viêm phế quản co thắt có thể gặp ở hầu hết các lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở trẻ em và người lớn cao tuổi.

Viêm phế quản không được coi là bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên một số virus và vi khuẩn gây bệnh có thể truyền sang người khác. Vì vậy, nếu sinh hoạt, sử dụng chung các đồ vật, tiếp xúc nhiều với người bệnh có thể bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

2. Triệu chứng viêm phế quản co thắt

- Khó thở: là biểu hiện, triệu chứng điển hình nhất, đầu tiên của bệnh.

- Ho: Ho dai dẳng kéo dài từng cơn.

- Sốt nhẹ: kéo dài vài ngày.

- Ngứa họng: Người bệnh cảm giác ngứa trong cổ họng

photo-1644897202409

Ho dai dẳng từng cơn là dấu hiệu của viêm phế quản co thắt.

- Thở khò khè: đặc biệt ở trẻ em thường thấy dấu hiệu cánh mũi phập phồng rút lõm lồng ngực, co kéo cơ cổ.

- Trẻ em nhiều bé nôn, tiêu chảy, quấy khóc…

Bệnh viêm phế co thắt biểu hiện giống với bệnh hen phế quản, rất dễ nhầm lẫn. Chính vì thế khi có các biểu hiện của bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị.

3. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp

Nhiễm trùng

Nguyên nhân đầu tiên phổ biến nhất là virus gây viêm đường hô hấp. Loại virus này thường lây lan mạnh vào cuối đông. Đa số các bệnh nhân bị viêm phế quản, viêm phổi liên quan đến chủng virus này. Sau đó người bệnh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn như: phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hib… thường ký sinh thường trực tại mũi họng và gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi. Một số chủng khác ít gặp hơn là Mycoplasma…

Suy giảm hệ miễn dịch

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản co thắt: Người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính…. Đặc biệt, khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh đột ngột các vi khuẩn, virus sẽ dễ dàng phát triển và gây bệnh hơn.

Một số nguyên nhân khác

Cơ thể dị ứng với lông thú, phấn hoa, nấm mốc…; Ô nhiễm môi trường nhiều khói bụi, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá… Tác dụng phụ từ các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, aspirin hoặc NSAID; Rối loạn đường tiêu hóa; Căng thẳng tâm lý…

4. Một số biến chứng của viêm phế quản co thắt

Viêm tai giữa

Đây là biến chứng hay gặp nhất của bệnh. Nếu viêm tai giữa nặng, không được chữa trị kịp thời người bệnh có thể bị giảm thính lực, thậm chí điếc.

Viêm phổi

Có thể xảy ra khi ổ nhiễm khuẩn lan rộng xuống nhu mô phổi và phế nang. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần xử trí đúng và kịp thời vì nguy cơ tử vong cao.

Suy hô hấp

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất vì nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao nếu không cấp cứu kịp thời.

4. Điều trị viêm phế quản co thắt như thế nào?

Tùy theo thể trạng và mức độ của bệnh bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Đa số sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm phế quản co thắt gây ra bởi virus, vì thế bác sĩ sẽ chữa trị các triệu chứng của bệnh. Với nguyên nhân bởi vi khuẩn, sẽ được kê đơn kháng sinh: nhóm beta lactam, macrolid, cephalosporin,...

Cần chú ý uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự kê đơn hoặc nghe người khác mách bảo để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Dùng Paracetamol để hạ sốt nếu sốt trên 38.5 độ C; thuốc long đờm khi bị ho có đờm,; Uống thêm oresol để bù nước nếu sốt cao hoặc tiêu chảy. Khi có dấu hiệu khó thở, theophylin và salbutamol là những loại thường được sử dụng để giãn phế quản.

Ngoài ra nên vệ sinh xông mũi họng hàng ngày để lưu thông đường thở được dễ dàng

5. Phòng viêm phế quản co thắt

Nhận biết và đề phòng viêm phế quản co thắt - Ảnh 3.

Vệ sinh mũi họng để phòng bệnh.

Song song với điều trị, việc tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể cũng rất quan trọng, vừa giúp phòng bệnh vừa giúp hỗ trợ điều trị.

Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để tránh vi khuẩn gây bệnh; Có chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng và vitamin,...; Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Tránh xa thuốc lá; Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát khi hè; Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, nếu cần thiết phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang; Thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe.

3 bài tập thở tốt cho người bệnh hen suyễn3 bài tập thở tốt cho người bệnh hen suyễn

SKĐS - Tập thở là một liệu pháp bổ sung cùng với sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị hen suyễn tiêu chuẩn khác, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Nguy Cơ Biến Thể Mới Xâm Nhập Sau Khi Mở Đường Bay, TP.HCM Lên Kế Hoạch Đối Phó | SKĐS


BS Văn Bàng
Ý kiến của bạn