Nhận biết và đề phòng những tai biến khó lường khi bị ngộ độc nấm

16-09-2022 13:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hiện nay, việc phân biệt giữa nấm độc và nấm không độc còn hạn chế nên đã có nhiều trường hợp phải đi cấp cứu vì ăn phải nấm độc. Ngộ độc nấm nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay trên thế giới có trên 10.000 loài nấm, trong đó có tới hàng trăm loài nấm độc. Cách nhận biết nấm độc hiện nay còn khó khăn, tuy nhiên theo kinh nghiệm đa số các loại nấm độc đều có màu sắc sặc sỡ, nhìn bắt mắt, đủ mũ, phiến, cuống có dạng màng phình to dạng củ, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc hay những nấm có bào tử màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát ra ánh sáng… 

Ngoài ra cũng có một số loại nấm độc giống với loại thông thường. Lại có một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay trưởng thành), trong môi trường đất đai khác nhau. Vì vậy, có thể gặp trường hợp ăn cùng một loài nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không.

Chính vì vậy cần nên coi tất cả nấm rừng, nấm mọc không rõ nguồn gốc là loại nấm độc cần rất thận trọng khi sử dụng và chỉ sử dụng khi đã biết chắc chắn đó là loại nấm có thể ăn được.

Nhận biết và đề phòng những tai biến khó lường khi bị ngộ độc nấm - Ảnh 2.

Cần thận trọng với những loại nấm lạ, màu sặc sỡ

1. Biểu hiện của ngộ độc nấm

‎Diễn biến ngộ độc nấm có 4 giai đoạn:

  1. ‎Giai đoạn đầu: Giai đoạn này kéo dài 6 - 24 giờ (thường 10 - 12 giờ) và bệnh nhân có thể không cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi ăn nấm. 
  2. Giai đoạn rối loạn tiêu hóa thường ở thời điểm 10 - 12 giờ sau ăn khi nấm: Bệnh nhân buồn nôn và nôn nhiều lần; Đau bụng; Ỉa chảy nhiều lần (phân toàn nước màu trắng đục). Giai đoạn rối loạn tiêu hoá kéo dài khoảng 2-3 ngày có thể xuất hiện các dấu hiệu mất nước và chất điện giải.
  3. ‎Giai đoạn hồi phục giả tạo: Sau giai đoạn rối loạn tiêu hoá 1 - 3 ngày bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, hết đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa. Bệnh nhân cảm thấy như đã khỏi. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm diễn ra quá trình tổn thương tế bào gan.
  4. ‎Giai đoạn suy gan, thận (thường ở ngày thứ 4 - 5 sau ăn nấm): ‎Bệnh nhân bị vàng da; xuất huyết ở đường tiêu hoá, não, đường tiết niệu, dưới da,...; Giảm đi tiểu hoặc vô niệu, có thể phù nề; Hôn mê và có thể tử vong đối với trường hợp nặng do bị suy gan, suy thận, biến chứng phù não.

2. Chẩn đoán và điều trị ngộ độc nấm

Để chẩn đoán ngộ độc nấm bác sĩ chủ yếu thăm khám lâm sàng, hỏi triệu chứng, các loại thực phẩm đã ăn gần nhất. Vì vậy, nếu nghi ngờ ngộ độc nấm, cần lập tức liên hệ với bác sĩ. Nếu có biểu hiện co giật, ngừng thở, bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay và mang theo loại nấm độc đã ăn.

Nếu người bệnh có thể nôn ra, tình trạng nguy hiểm nhất có thể giảm xuống. Vì vậy, khi cấp cứu bác sĩ sẽ tiến hành cho người bị ngộ độc nấm uống than hoạt tính để gây nôn. Sau đó, kiểm tra các chỉ số thân nhiệt, nhịp tim và huyết áp, đồng thời theo dõi chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Nếu không có triệu chứng ngộ độc nặng và nấm được phân tích khẳng định không gây nguy hiểm, người bệnh có thể được đưa về nhà và tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tiếp.

Ngộ độc nấm nhẹ: Với những triệu chứng ngộ độc nấm sớm và thường ít gây nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định:

  • Điều trị triệu chứng tiêu hóa
  • Thần kinh: điều trị bằng thuốc an thần
  • Hệ muscarinic: điều trị triệu chứng như thở khò khè, nhịp tim chậm bằng Atropin.

Ngộ độc nấm nặng: Với những triệu chứng ngộ độc nấm muộn và gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, bác sĩ sẽ điều trị sẽ chặt chẽ:

  • Sử dụng liều lặp lại than hoạt tính
  • Theo dõi tình trạng hạ đường huyết
  • Điều trị suy thận bằng lọc máu
  • Điều trị suy gan có thể bằng phương pháp ghép gan, hoặc dùng thuốc hoặc điều trị tích cực
  • Điều trị thần kinh bằng truyền tĩnh mạch chậm pyridoxine 70 mg/kg trong 4 - 6 giờ (tối đa 5g/ngày)

3. Xử trí ngộ độc nấm

Ngay khi phát hiện và nghi ngời bị ngộ độc nấm cần:

  • Gây nôn: Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.
  • Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.
  • Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol và nhanh chóng đưa người bệnh cùng nấm đã ăn đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng; Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Nhận biết và đề phòng những tai biến khó lường khi bị ngộ độc nấm - Ảnh 4.

Cần đưa bệnh nhân cấp cứu sớm để tránh những tai biến nguy hiểm

4. Phòng ngừa ngộ độc nấm

  • Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ được sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm đó không chứa chất độc hại.
  • Không ăn thử nấm, cần bỏ nấm khi nghi ngờ.
  • Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm quá già.
  • Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi kịp thời.

Ăn nhầm nấm độc, em tử vong, anh nguy kịchĂn nhầm nấm độc, em tử vong, anh nguy kịch

SKĐS - Ngày 6/4, thông tin từ xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ việc đau lòng khi 2 anh em họ đi chăn trâu ăn phải nấm độc dẫn tới một cháu tử vong, cháu còn lại đang nguy kịch.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Nhiều nơi vẫn tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và mũi 4, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chậm, thấp

Ths. Trần Văn Khánh
Ý kiến của bạn