Thế nào là hội chứng thận hư ?
Thận có vai trò lọc và thải bỏ các chất thải, chất hoặc dịch dư thừa ra khỏi máu và qua nước tiểu để ra ngoài. Bộ phận có vai trò như bộ lọc để thận thực hiện chức năng này là các cầu thận.
Giảm chức năng lọc của cầu thận dẫn đến hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư có thể do nhiều nguyên nhân: có thể do nhiễm trùng, nhiễm độc hoặc ảnh hưởng từ thuốc điều trị... làm màng lọc cầu thận bị tổn thương dẫn đến chức năng lọc của thận gặp phải vấn đề. Khi đó, protein máu thoát nhiều qua cầu thận và đi vào nước tiểu và gây ra các triệu chứng của hội chứng thận hư.
Ai dễ mắc hội chứng thận hư?
Đa số các triệu chứng của thận hư xuất hiện đều do ảnh hưởng từ các bệnh lý có sẵn của người bệnh.
- Bệnh nhân đái tháo đường: khi lượng đường huyết tăng cao làm tổn thương các lưới lọc thận khiến thận bị xơ hóa lan tỏa lâu dần sẽ ảnh hưởng tới chức năng của thận.
- Mắc các bệnh lý khác như: tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, suy tuyến giáp… cũng ảnh hưởng nhiều tới chức năng của thận.
- Thận hư bẩm sinh: có yếu tố di truyền từ người thân trong gia đình.
- Người sử dụng lâu dài một số thuốc có các tác dụng phụ hoặc mẫn cảm với các thuốc kháng sinh, kháng viêm non-steroid…
- Người dị ứng với nọc độc côn trùng, thức ăn…
- Những người có thể trạng béo phì, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai… cũng là đối tượng dễ mắc chứng thận hư.
Triệu chứng của hội chứng thận hư
Các triệu chứng của bệnh sẽ ngày càng nặng dần:
- Xuất hiện tình trạng tích nước, phù toàn thân, đầu tiên là ở mặt. Phù xuất hiện nhiều vào buổi sáng lúc thức dậy: phù mềm, trắng, ấn lõm, không đau và đối xứng hai bên. Phù còn có thể xuất hiện ở mí mắt, chân, tay, bụng… thậm chí toàn thân.
- Thấy bọt trong nước tiểu do nồng độ protein quá lớn.
- Cơ thể bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, ăn không ngon, kém ăn, da xanh xao do protein trong máu thấp.
- Kết quả xét nghiệm thấy: Lượng protein trong máu thấp, giảm dưới 60 g/l; Protein trong nước tiểu ở mức cao, trên 3,5 g/24h; Thấy xuất hiện hạt hoặc trụ mỡ trong nước tiểu; Lipid và cholesterol trong máu tăng.
Bác sĩ có thể kiểm tra thêm các chỉ số điện giải đồ, albumin, mức lọc cầu thận, máu lắng… đều cho kết quả bất thường.
Các biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh
Đối với người bình thường:
- Nên có chế độ ăn lành mạnh: cân bằng các chất dinh dưỡng hằng ngày; Nên sử dụng lượng muối vừa phải; Không nên uống quá nhiều bia rượu; Hạn chế lượng Protein, đặc biệt là chất béo và tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
- Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể; Tránh tối đa việc nhịn tiểu.
- Thường xuyên rèn luyện cơ thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, đảm bảo chức năng thận hoạt động ổn định.
- Ngủ đủ giấc, duy trì tâm trạng ổn định, lạc quan… có thể giúp ổn định huyết áp và tim mạch.
Đối với người có tiền sử hoặc đang mắc bệnh:
- Nên hạn chế dùng muối trong các bữa ăn; Tránh sử dụng các món ăn muối chua (dưa muối, hành muối…) các loại hải sản phơi khô (mực, cá khô...), nên ăn nhạt để duy trì huyết áp và nồng độ natri máu ổn định.
- Cần bổ sung đạm để bù đắp lượng protein bị đào thải qua nước tiểu bằng các thực phẩm: hải sản (tôm, cua, cá,…), thịt nạc (bò, gà,…), sữa tách béo…
- Đặc biệt cần hạn chế các chất béo có trong mỡ, nội tạng động vật, bơ, phô mai, các thức ăn đóng gói sẵn…
- Nên sử dụng và bổ sung lượng tinh bột như gạo lứt, yến mạch, khoai, mì,…
- Tăng cường rau xanh và trái cây để cung cấp đủ vitamin và chất khoáng để nâng cao thể trạng.
- Nên chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày. Nên hâm nóng thức ăn trước khi dùng.
- Nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh mọi hoạt động gắng sức. Có thể rèn luyện qua các bài tập nhẹ nhàng; Luôn lạc quan để cải thiện huyết áp, tim mạch... Đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt giúp thận hoạt động bình thường và ổn định.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Căn Bệnh Còn Đáng Sợ Hơn Cả Ung Thư - SKĐS