Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Có nhiều nguyên nhân gây sỏi bàng quang chủ yếu do hiện tượng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang hoặc sỏi từ đường niệu trên di trú xuống. Thông thường như chúng ta biết, bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu do thận thải ra trước khi được bài tiết ra ngoài cơ thể qua niệu đạo. Và nếu cơ thể có sỏi thì những viên sỏi lớn hơn không đào thải ra ngoài theo đường tiểu, chúng nằm tại bàng quang, lâu ngày tích tụ lớn dần do các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào gây nên các cơn đau khó chịu.
Người ta thường chia sỏi bàng quang làm 2 loại:
- Loại 1: Sỏi bàng quang có tính chất địa phương: Đây là sỏi của trẻ em nam ở các nước đang phát triển chủ yếu là oxalat calci, nguyên nhân gây sỏi bàng quang là do thức ăn thiếu chất đạm, và tình trạng mất nước kéo dài
- Loại 2: Sỏi bàng quang thứ phát hay gặp nhất do ứ đọng nước tiểu và nhiễm khuẩn trong các bệnh nam giới ví dụ nam giới mắc bệnh bướu tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, bàng quang thần kinh… Đối với trường hợp ở nữ do sa tử cung, túi thừa niệu đạo hoặc do dị vật bàng quang, bướu bàng quang.
Biểu hiện sỏi bàng quang và biến chứng
Khi mắc sỏi bàng quang người bệnh thường có biểu hiện đường tiểu dưới, tiểu ngắt quãng giữa dòng. Bí tiểu, tiểu máu, nước tiểu cặn đục. Sốt khi có nhiễm trùng tuy nhiên trên thực tế có một số trường hợp không có triệu chứng.
Khi khám các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng người bệnh như biểu hiện đau buốt vùng hạ vị; Tiểu gắt, mót tiểu thường xuyên, tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ được một ít, thỉnh thoảng bị tắc tiểu. Có thể tiểu máu cuối bãi,…
Và đặc biệt, ngay cả những người không có biểu hiện sỏi bàng quang cũng có thể dẫn đến biến chứng như:
- Sỏi bàng quang gây rối loạn chức năng bàng quang mạn tính: Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể gây ra các vấn đề tiết niệu dài hạn, chẳng hạn như tiểu đau hay đi tiểu thường xuyên..
- Sỏi bàng quang gây nhiễm trùng đường tiểu.
- Sỏi bàng quang và ung thư bàng quang: Sỏi bàng quang tạo kích thích mạn tính vào thành bàng quang, làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Chẩn đoán sỏi bàng quang
Ngoài căn cứ vào biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm như: Xét nghiệm sinh hóa máu, cấy máu khi có dấu hiệu nhiễm trùng huyết; Tổng phân tích nước tiểu; Siêu âm bụng – hệ niệu; Chụp X-quang; Nội soi bàng quang.
Điều trị sỏi bàng quang
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, trong đó với nguyên tắc lấy sạch sỏi; Giải quyết tình trạng bế tắc đường tiểu dưới; Phòng ngừa tái phát sỏi.
Các phương pháp có thể được chỉ định đối với sỏi bàng quang là:
- Đối với sỏi nhỏ: Người bệnh chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bằng dòng nước tiểu.
- Đối với sỏi lớn bị kẹt: Có thể sử dụng nội soi lấy sỏi; Tán sỏi nội soi; Tán sỏi ngoài cơ thể,.. tuy vậy các phương pháp này thường chỉ định với trường hợp sỏi nhỏ dưới 6 mm. Nếu sỏi to hơn thì cần phẫu thuật mở để lấy sỏi
- Mổ mở bàng quang lấy sỏi: Khi sỏi to, có nhiễm khuẩn, có các bệnh lý kết hợp kèm theo như: hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, bướu tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang…
Lời khuyên thầy thuốc
Sỏi bàng quang là bệnh thường gặp của hệ tiết niệu, để hạn chế nguy cơ bị sỏi ở bàng quang nên lưu ý uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1,5 -2 lít nước), nếu có thể uống nhiều hơn thì càng tốt. Vì cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ giúp đào thải liên tục các chất cặn bã, chất độc ra khỏi cơ thể, ngăn không hình thành sỏi.
Ngoài ra, cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu,… ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Cần hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán vì chúng chứa nhiều muối và mỡ. Ăn nhiều cá hơn thịt vì chúng chứa protein dễ tiêu. Không nên ăn nội tạng động vật nhất là gan vì gan chứa nhiều purin – chất tạo sỏi. Nam giới không sử dụng thuốc lá và các loại đồ uống có cồn, có gas.
Khi có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, đau bụng, tiểu nhiều lần,… hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
8 thói quen xấu là “thủ phạm” gây nên bệnh sỏi thận | SKĐS