Hà Nội

Nhận biết trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý

23-09-2018 14:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những hội chứng mắc phải từ thời thơ ấu được nghiên cứu nhiều nhất. Chứng bệnh biểu hiện với các dấu hiệu: kém khả năng tập trung chú ý, khó kiểm soát hành vi, hoạt động quá mức, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, kém tương tác với xã hội.

Những đặc điểm lâm sàng trẻ mắc ADHD

Hoạt động thái quá: Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác...

Tập trung chú ý kém: Khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi. Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp hoặc đưa ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; không thể hoàn thành bài tập ở trường và ở nhà; dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.

Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức.

Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: Rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu...

Có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ mắc ADHD, các bậc phụ huynh cần chú ý để nhận diện sớm.

Có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ mắc ADHD, các bậc phụ huynh cần chú ý để nhận diện sớm.

Nhận diện “thủ phạm” gây chứng ADHD

Chứng ADHD thường được phát hiện ở lứa tuổi 4-6 tuổi với dấu hiệu trẻ không tập trung và hiếu động. Đến 8 -11 tuổi các biểu hiện bệnh càng rõ nét. Tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh so với trẻ gái là 3/1. Đến nay, giới y khoa toàn thế giới vẫn chưa có kết luận chính thức, xác định rõ ràng được nguyên nhân của ADHD, nhưng có thể thể tập trung những yếu tố chính như:

Do di truyền: đa số những trẻ em mắc ADHD thì trong gia đình của bé có ít nhất một thành viên mắc chứng này. Hơn nữa, 1/3 số người đàn ông bị chứng ADHD khi còn nhỏ, thì con họ sau này cũng mắc phải chứng này.

Nguyên nhân tâm lý: Lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình.

Do người mẹ tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em hoặc các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen...cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị mắc ADHD.

Tai biến lúc sinh: như sinh non tháng, thiếu oxy lúc sinh (bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.

Các nguyên nhân khác: như chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, hoặc có rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều quá hoặc khó ngủ)...

Rối nhiễu tâm lý ở trẻ ADHD

Thiếu tự tin: Trẻ thiếu tự tin trong giao tiếp với bạn bè và thầy cô, vì vậy trẻ khó thích nghi với môi trường sống học đường.

Trẻ dễ gặp phải những rối loạn thần kinh: lo lắng và nóng nảy kèm theo nhịp tim nhanh, thở nhanh, chóng mặt, rối loạn cảm xúc... hay khiêu khích, gây sự, thái độ thù ghét, hung tợn...

Gặp rắc rối trong học tập: do độ tập trung ở trẻ kém nên kết quả học tập ở trẻ ADHD kém và thường tiến bộ chậm. Trẻ khó khăn về đọc, về viết. 20% trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.

Trẻ tăng động giảm chú ý cần được hỗ trợ thế nào?

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu chứng ADHD cần cho trẻ đi khám chuyên khoa tâm bệnh để được đánh giá cụ thể và có hướng điều trị. Cách điều trị hiện nay chủ yếu vẫn là tâm lý liệu pháp kèm các biện pháp trị liệu. Các giải pháp cơ bản gồm:

Điều trị bằng chế độ ăn uống: Nên cho trẻ ăn những thức ăn ít gây ra dị ứng, có thể cải thiện được sự tập trung chú ý của trẻ. Nên tránh những loại thức ăn sau: Sữa và các sản phẩm từ sữa, lúa mì, bắp, đậu nành, trứng, sô-cô-la, đậu phộng; các lọai thực phẩm có thêm phụ gia nhằm ổn định thực phẩm, hóa chất và phẩm màu, cam, quít.

Cho trẻ ngủ đầy đủ: Tối thiểu từ 8-9 tiếng mỗi ngày, nên ngủ trưa.

Tập vận động: Nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp, làm chủ vận động và trương lực cơ, một số bài tập tăng sự tập trung chú ý...

Liệu pháp hành vi nhận thức: Giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt. Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội.

Chơi trị liệu phù hợp: Giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi... Không nên chơi những trò chơi dễ kích thích tinh thần hay ngoài tầm kiểm soát của trẻ.

Xoa bóp (massage): Trị liệu bằng phương pháp massage thư giãn giúp trẻ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để kiểm soát được chứng ADHD và giúp trẻ có được cuộc sống bình thường, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn ADHD là rất cần thiết trong kiểm soát bệnh.

Không nên la mắng trẻ. Người dạy dỗ trẻ nên biết được những mặt hạn chế cũng như nhu cầu của trẻ để đưa ra biện pháp giáo dục thích hợp. Trẻ hiếu động thường không biết nguy hiểm là gì, nên cần phải theo dõi trẻ sát sao. Dùng bạo lực, la hét hay đánh đập trẻ thường không mang lại lợi ích gì mà lại làm cho trẻ dễ tổn thương hơn. La mắng hay quở trách sẽ gây thêm rối loạn hành vi của trẻ. Trẻ hiếu động thường gặp phải vấn đề trầm trọng về khả năng tự tin của chúng. Điều quan trọng là làm thế nào để chỉ ra cho trẻ điều đó để chúng trở nên tốt hơn. Hãy rộng lượng và khuyến khích trẻ. Kiên trì là rất quan trọng để trị liệu bệnh cho trẻ.


BS. Hoàng Linh
Ý kiến của bạn