Nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên

09-12-2023 08:00 | Y học 360

Trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, dấu hiệu đặc trưng được thể hiện như cảm giác buồn bã, mất hứng thú, cảm thấy tội lỗi hoặc tự đánh giá thấp giá trị của bản thân.

Các dấu hiệu này thường xảy ra thường xuyên kéo dài và gây ra một số hệ quả như rối loạn giấc ngủ, mất tập trung hay chán ăn.

Nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, các biểu hiện của trầm cảm có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, nền giáo dục và văn hóa. Các phân nhóm của trầm cảm được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tính chất lan tỏa, suy giảm chức năng và các giai đoạn loạn thần.

Khởi phát trầm cảm

Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở nam và nữ có mức độ tương đương nhau nhưng tới tuổi vị thành niên, tỷ lệ nữ trở nên phổ biến gấp đôi so với nam. Theo dữ liệu thống kê cho tới nay, tỷ lệ trầm cảm diễn ra cao hơn ở những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và cụ thể trong các nhóm như trẻ khuyết tật hoặc nhóm người dân tộc thiểu số bản địa. Các triệu chứng trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mỗi giai đoạn tuổi phát triển sẽ có những thay đổi khác nhau, dẫn đến sự khác biệt khi biểu hiện trầm cảm cũng khác nhau. Độ tuổi khởi phát không phải là yếu tố phân loại trầm cảm, tuy nhiên tỷ lệ khởi phát trầm cảm sớm có liên quan đến nhiều yếu tố dự báo về gánh nặng bệnh tật ở tuổi trưởng thành trên các lĩnh vực như không kết hôn, suy giảm hoạt động xã hội & nghề nghiệp, giảm chất lượng cuộc sống.

Với thanh thiếu niên ở giai đoạn trầm cảm nhẹ hoặc trung bình, thường có các phản ứng ngược để cố gắng che giấu các triệu chứng liên quan tới trầm cảm, từ đó dẫn tới tình trạng tỷ lệ trầm cảm ở vị thành niên nhiều nhưng chưa được kiểm soát, hoặc khi phát hiện thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân của trầm cảm rất phức tạp, các nghiên cứu đã phát hiện ra vô số các yếu tố liên quan đến khởi phát, duy trì hoặc tái phát của trầm cảm. Một số trẻ bị trầm cảm do đã trải qua nhiều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình về học tập, mâu thuẫn bạn bè, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm,… Một số trường hợp khác tiêu cực hơn do bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân hay do gia đình tan vỡ. Ngoài ra, với tình trạng sức khỏe tiêu cực nghiêm trọng như: chấn thương, bệnh tật,… cũng khiến trẻ bị căng thẳng, đau buồn kéo dài dẫn đến trầm cảm. Đặc biệt, yếu tố di truyền khi trong gia đình có người bị trầm cảm cũng là một trong những nguy cơ.

Tóm lại, trầm cảm ở tuổi trẻ là kết quả của mối tương tác phức tạp giữa cơ địa dễ bị tổn thương về mặt sinh học và tác động của môi trường. Các khiếm khuyết sinh học có thể là hậu quả từ nguồn gen di truyền và từ các yếu tố tiền sản. Ảnh hưởng của môi trường bao gồm mối quan hệ gia đình của trẻ, tư duy tiêu cực về bản thân,… đã góp phần vào lối nhận thức tiêu cực và gây nên những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống khiến trẻ dễ mắc trầm cảm.

Nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Diễn biến trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên

Tương tự với diễn biến ở người lớn, trầm cảm lâm sàng ở thanh thiếu niên tiến triển theo từng đợt. Một giai đoạn trầm cảm trên lâm sàng thường kéo dài trung bình từ 7 đến 9 tháng, nhưng có thể ngắn hơn trong các mẫu cộng đồng chưa được nghiên cứu.

Ngoài ra, tỷ lệ tái phát trong vòng 2 năm cũng chiếm khoảng 40%, tức nghĩa tỷ lệ tái phát cao ngay cả sau khi điều trị. Ở tuổi trưởng thành, khả năng xuất hiện thêm các giai đoạn trầm cảm lên tới 60% (Birmaher và cs, 1996). Vì vậy, bệnh trầm cảm nên được xác định là một tình trạng mãn tính với sự thuyên giảm và tái phát.

Nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên- Ảnh 3.

Khi vấn đề của trẻ trở nên khó khăn, cần gợi ý trẻ tìm đến các bác sĩ tâm thần để được thăm khám và tư vấn, điều trị cho trẻ

Cùng trẻ vượt qua giai đoạn trầm cảm

Cha mẹ cùng quan tâm chia sẻ, làm bạn với con dù con ở bất cứ lứa tuổi nào bằng cách luôn lắng nghe con chia sẻ mọi niềm vui, khó khăn trong cuộc sống sẽ là một trong những giải pháp có hiệu quả cao. Việc có gia đình đồng hành và chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống sẽ mang lại cảm giác an toàn cho trẻ, giúp trẻ yên tâm hơn và dễ dàng tiếp cận hơn với xã hội.

Đồng thời, phụ huynh nên sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, không đặt ra nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt. Đặc biệt, đối với trẻ trong giai đoạn tuổi vị thành niên, khi có sự thay đổi về hormone tâm sinh lý cũng thay đổi theo nên rất dễ gặp phải các khó khăn tâm lý như: Lo âu, trầm cảm, kém tự tin, giảm tự trọng, rối loạn hành vi,... Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến từng các biểu hiện nhỏ của trẻ như: Ngủ muộn, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, hay tức giận, buồn bực,… và những thay đổi nhỏ của trẻ để có hướng xử lý kịp thời.

Để được giải đáp mọi câu hỏi thắc mắc cũng như nhu cầu cần thăm khám và điều trị về sức khỏe, hãy liên lạc với chúng tôi!

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của Thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô lớn, điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân tại cộng đồng. Bệnh viện luôn cặp nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.

BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI - HANOI MENTAL HOSPITAL

Địa chỉ: Ngõ 467, đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng, Quận Long Biên, TP Hà Nội

Hotline: 0967301616

Website: benhvientamthanhanoi.com


PV
Ý kiến của bạn