Hà Nội

Nhận biết sớm trẻ mắc tật khúc xạ

18-07-2018 06:37 | Đời sống
google news

SKĐS - Tật khúc xạ (TKX) là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng.

Tật khúc xạ (TKX) là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Theo các điều tra tại một số trường học ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tỉ lệ cận thị là gần 30%. TKX xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em (chiếm >70%). Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, công tác cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ.

Các tật khúc xạ thường gặp

Khi ta nhìn đồ vật thấy rõ nét, tức là mắt bình thường, lúc đó đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt. Khi mắt bị TKX tức là mắt có thiếu sót ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không tạo thành tiêu điểm rõ nét trên võng mạc, như vậy, mắt bị TKX nhìn đồ vật sẽ bị nhòe, mờ, không rõ nét.

Tư thế ngồi học không đúng khiến trẻ sớm mắc các tật khúc xạ.

Cận thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở trước võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt cận thị nhẹ thường nhìn gần vẫn bình thường, nhưng nhìn xa không rõ. Cận thị có thể đơn độc hoặc kèm theo loạn thị.

Viễn thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở sau võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt viễn thị nhẹ có thể nhìn bình thường nhưng thường bị mỏi mắt do điều tiết. Nếu viễn thị nặng thì nhìn các vật ở cả xa và gần đều mờ. Viễn thị có thể kèm theo loạn thị.

Loạn thị là khi các tia sáng tới mắt không hội tụ ở một điểm mà ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc (thường là do giác mạc có độ cong khác nhau giữa các kinh tuyến làm cho giác mạc không phải là dạng chỏm cầu thực sự). Mắt loạn thị nhìn vật bị mờ và biến dạng. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị hoặc viễn thị.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Do những thói quen xấu như tư thế ngồi học không đúng, cúi quá gần sách vở; do ánh sáng không đầy đủ; chương trình và giờ học ngày càng tăng; trẻ em đặc biệt là những trẻ ở thành phố ngày càng được sớm tiếp cận với những trò chơi trên máy tính; các bậc cha mẹ chưa có thái độ đúng đắn và chưa thực sự chú trọng đến những tác hại của những vấn đề trên.

Khi có TKX, trẻ thường không nhìn rõ các vật ở xa, như đi học không nhìn rõ hoặc hay nhầm lẫn chữ viết trên bảng, khi xem tivi thường hay nheo mắt hoặc phải lại gần mới xem rõ.

Khi có những biểu hiện đó cần cho trẻ đi khám bác sĩ sớm. Nên cho trẻ kiểm tra thị lực trước tuổi đến trường để phát hiện sớm TKX và các bất thường khác ở mắt.

Khắc phục cách nào?

Cần bàn học vừa với kích thước cơ thể của trẻ (ở những trường có từ cấp I đến cấp II thì trẻ lớp 1 ngồi chung bàn với trẻ lớp 9, như vậy sẽ không đúng với tiêu chuẩn); khi làm việc gần (như đọc sách, học bài) cần có khoảng cách thích hợp (khoảng cách từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm là tốt nhất). Nơi trẻ học cần đủ ánh sáng và phải có sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt; ngoài sự chiếu sáng trong phòng nên có một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuận tay phải và ngược lại); không đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều vì sẽ dẫn đến mỏi mắt; chữ viết trên bảng cũng như chữ in trong sách phải rõ ràng, bảng và giấy không quá bóng, gây mỏi mắt; trẻ sẽ được khuyên nên đeo kính khi đọc sách hay không tùy trường hợp; trong lớp, trẻ có TKX cần được xếp ngồi gần bảng, vì một số trẻ dù đã được đeo kính đúng nhưng tình trạng nhược thị vẫn còn; không nên làm việc bằng mắt liên tục kéo dài. Mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn nhìn ra xa. Trẻ em có độ cận thị nặng cần được điều hòa giữa việc học và các hoạt động giải trí ngoài trời; phụ huynh cần đưa con em đến những nơi khám chữa mắt thật sự có uy tín để bảo đảm trẻ được khám và cấp đơn kính đúng cho từng mắt, không khám ở cửa hàng bán mắt kính không có bác sĩ mắt hoặc kỹ thuật viên chuyên khoa khúc xạ.


TS. BS. Lê Thúy Quỳnh (BV Mắt Trung ương)
Ý kiến của bạn