Hà Nội

Nhận biết sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh loãng xương

13-11-2021 08:00 | Y học 360
google news

Theo thống kê của Hiệp hội Loãng xương quốc tế (IOF), trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương, 8,9 triệu ca gãy xương hàng năm; mỗi 3 giây có một ca gãy xương mới do loãng xương. Khoảng 1/3 nữ giới và 1/5 nam giới trên 50 tuổi trải qua một lần gãy xương do loãng xương.

Theo Hội Loãng xương TP.HCM ước tính, khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh loãng xương, tuy nhiên con số thật có thể cao hơn rất nhiều vì còn nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán.

loangxuongvideo10mb

Loãng xương: "mối nguy hiểm" âm thầm

Loãng xương là một bệnh lý của xương do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng hoặc đau đớn nào, và thường không được phát hiện cho đến khi xảy ra gãy xương. Hầu hết là gãy xương hông, xương cổ tay và xương sống.

Nhận biết sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh loãng xương - Ảnh 1.

Loãng xương gây ra gánh nặng bệnh tật lớn trên toàn cầu

Ở phụ nữ trên 45 tuổi, thống kê cho thấy số ngày nằm viện do loãng xương dài hơn so với các bệnh lý ung thư vú, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường và các bệnh lý khác.

Ở nam giới, nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn đến 27% so với nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

40% bệnh nhân gãy xương hông không thể tự đi lại được và rất nhiều người bị gãy xương hông do loãng xương đã tử vong trong vòng một năm sau khi gãy xương (tỷ lệ lên đến 20-24%).

20% phụ nữ bị gãy xương cột sống có nguy cơ gãy xương mới trong vòng 1 năm sau đó.

Mặc dù loãng xương gây ra những hậu quả nghiêm trọng vậy nhưng có đến 80% bệnh nhân từng trải qua 1 lần gãy xương do loãng xương không được chẩn đoán và điều trị nguyên nhân.

Thuốc điều trị loãng xương

- Thuốc bổ sung canxi và Vitamin D nếu chế độ ăn không đủ.

- Thuốc chống hủy xương: nhóm bisphosphonate (alendronate, risedronate,…) là lựa chọn đầu tiên.

- Calcitonin chiết xuất từ cá hồi.

- Liệu pháp thuốc giống hormone chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc loãng xương sau mãn kinh.

- Thuốc có tác dụng kép: strontium ranelate, vừa có tác dụng tăng tạo xương, vừa ức chế hủy xương. Thuốc được dùng cho bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonates.

- Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết: thuốc tăng quá trình đồng hóa (deca durabolin và durabolin)

Phòng ngừa loãng xương

- Chế độ ăn uống: Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, chất đạm, vitamin D

- Duy trì một lối sống lành mạnh có thể làm giảm mức độ mất xương. Bắt đầu một chương trình tập thể dục thường xuyên. Các bài tập làm chịu lực cho cơ (chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu và cử tạ) giúp củng cố xương.

- Hạn chế đồ uống chứa cồn, caffeine.

- Không hút thuốc lá.

Những ai có nguy cơ bị loãng xương?

Nhận biết sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh loãng xương - Ảnh 2.

- Nguy cơ gãy xương do loãng xương tăng theo tuổi tác: phụ nữ trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất.

- Tiền sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc ông bà của bạn đã có bất kỳ dấu hiệu loãng xương nào, chẳng hạn như gãy xương hông sau một cú ngã nhẹ, bạn có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

- Thiếu vitamin D, chế độ ăn thiếu canxi: làm tăng nguy cơ loãng xương

- Ít hoạt động thể lực: Những người có lối sống ít vận động có nguy cơ loãng xương cao hơn người vận động thể chất đầy đủ.

- Thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

Bệnh tuyến giáp

Sử dụng thuốc lâu dài (corticosteroid, thuốc chống đông, chống động kinh…)

Nếu có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ trên, bạn hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nhận biết sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh loãng xương - Ảnh 3.

Nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh loãng xương

Thông thường, không có triệu chứng của bệnh loãng xương, đôi khi đây được gọi là một căn bệnh thầm lặng. Tuy nhiên, cần chú ý những điều sau:

- Đau xương, đau lưng.

- Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao

- Đau ngực, khó thở, chậm tiêu…

- Gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy đốt sống (lưng và thắt lưng) sau chấn thương rất nhẹ hoặc không rõ chấn thương.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh kể trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị.

Nhận biết sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh loãng xương - Ảnh 4.

Ảnh: ADCREW

Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về các bệnh cơ xương khớp thường gặp nằm trong chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc một số BKLN phổ biến cũng như chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt BKLN.

Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu COVID-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Công ty Davipharm (https://davipharm.info/vi/) phối hợp thực hiện. Hãy kết nối cùng các chuyên gia của chương trình tại Fanpage Chăm sóc sức khỏe Việt để cập nhật các thông tin tin cậy, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.


PV
Ý kiến của bạn