Mùa nắng nóng là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi sinh vật, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Theo PGS.TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội), tại các cơ sở y tế ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Vì thế, khi lựa chọn đồ ăn, thức uống, mỗi người nên cẩn thận để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Phần lớn các triệu chứng của bệnh thường xảy ra sau khi ăn, uống từ 5-10 phút đến vài giờ, tuy có những loại ngộ độc thời gian ủ bệnh dài hơn, triệu chứng xảy ra sau 12-24 giờ là khi ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn. Đặc điểm rất quan trọng giúp ta dễ nhận ra một vụ ngộ độc thức ăn là: nếu bữa ăn có nhiều người cùng ăn và sau đó có ít nhất từ 2 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các triệu chứng giống nhau.
Không phải tất cả nhưng hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa với các triệu chứng, hội chứng có tính chất đặc trưng như: buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy (phân, nước tiểu có thể có máu), có thể sốt hay không sốt (gặp khi nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn). Cũng có khi bắt đầu bằng tê môi lưỡi, rồi liệt, co giật rồi hôn mê (như trong ngộ độc tetratodoxin khi ăn cá nóc, bạch tuộc có vòng xanh, con sam có chứa loại độc tố chết người này)... Có khi chỉ là váng vất, mệt mỏi... nên khó nhận biết đó là ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, nếu ta tìm ra được các yếu tố liên quan thức ăn (xảy ra sau khi ăn, uống, nhất là ăn ở quán ăn lạ, ăn những thức ăn có nhiều nguy cơ, cùng ăn cùng bị bệnh) sẽ giúp chúng ta nhận diện được ngay một vụ ngộ độc thức ăn.
Cách phòng chống ngộ độc
Để phòng tránh ngộ độc thức ăn, cần tuân thủ nguyên tắc an toàn thực phẩm, người dân cần chú ý từ việc lựa chọn thực phẩm đến khâu chế biến và bảo quản thức ăn, nhất là mùa nóng. Cần lựa chọn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo đảm chất lượng các sản phẩm. Rửa rau quả với nhiều nước sạch trước khi nấu, chế biến và gọt vỏ trước khi ăn. Không ngâm rau củ quá lâu trong nước (không quá 20 phút). Chỉ bóc vỏ, gọt vỏ, cắt nhỏ (rau, trái cây...) ngay trước khi ăn hoặc chế biến. Thịt, cá rã đông thì nấu ngay và nấu vừa chín. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ. Rửa tay sạch trong quá trình chế biến thức ăn.
Mời độc giả đón đọc bài 3:"Ngộ độc thức ăn cần làm gì?" vào lúc 8h ngày 1/7/2015
Nguyễn Khánh