Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết thời gian gần đây có tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc do ăn hải sản. Những bệnh nhân này là những người đã đi du lịch biển có ăn đồ hải sản và cả những người không đi du lịch biển nhưng mua hải sản về tự chế biến hoặc ăn hải sản ở các nhà hàng.
1. Ngộ độc cá biển có ciguatera
Ciguatera là độc tố không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường a xít, muối. Thông thường, các loài cá biển đều an toàn khi ăn nhưng tùy điều kiện môi trường sống một số loài cá có thể sẽ tích lũy độc tố ngẫu nhiên từ nguồn thức ăn.
Độc tố ciguatera có nguồn gốc từ một số loài vi tảo sống đáy, thường sống bám trên các loài tảo lớn hay rong biển ở khu vực rạn san hô. Các loài cá hoặc sinh vật khác trong chuỗi thức ăn biển sẽ tiếp tục tích lũy độc tố khi ăn. Độc tố này sẽ trung chuyển lên thang bậc cao hơn của chuỗi thức ăn biển, dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho con người.
Để bảo vệ sức khỏe cần thận trọng khi ăn những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô, không ăn quá nhiều loại cá sống ở vùng san hô trong một khẩu phần ăn.
Nếu có cảm giác bị ngộ độc ban đầu như tê lưỡi, tê môi, đau nhức cơ... nên kích thích nôn càng nhiều càng tốt và lập tức đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.
Biểu hiện ngộ độc do ăn phải cá biển có ciguatera
Người bị ngộ độc có triệu chứng đường tiêu hóa: tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn trong 2-6 giờ đầu. Nếu ngộ độc nhẹ, có thể tự khỏi sau 1 – 4 ngày.
Về tim mạch: loạn nhịp nhanh, có thể nhịp tim chậm và tụt huyết áp, thường trong giai đoạn đầu.
Về thần kinh: thường trong vài ngày đầu sau triệu chứng đường tiêu hóa. Triệu chứng khác nhau giữa các bệnh nhân, bao gồm: dị cảm, tê, ngứa ran ở tứ chi (bàn chân, bàn tay) và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi.
Một số bệnh nhân rối loạn nhận cảm về thay đổi nhiệt độ nóng/ lạnh, ví dụ bề mặt lạnh bệnh nhân lại thấy nóng và ngược lại, hoặc chạm với vật thể lạnh lại thấy rát hoặc buốt.
Các triệu chứng thần kinh khác có thể gặp: lo lắng, trầm cảm và mất trí nhớ. Thay đổi về trạng thái tâm thần, thậm chí hôn mê. Một số trường hợp có thể gây tử vong, do suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
2. Ngộ độc histamin
Hải sản tươi sống không chứa histamin. Chỉ khi ăn phải hải sản không được bảo quản đủ lạnh khiến cho các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành chất độc histamin. Qua thời gian lượng histamin tích lũy ngày càng tăng gây ngộ độc cho người ăn. Histamin bền vững với nhiệt nên khi nấu chín, do đó các loại hải sản đã nhiễm histamin vẫn gây ngộ độc.
Trong hải sản sạch, hàm lượng histamin dưới 1 mg/100g thịt, khi hàm lượng trên 50mg/100 thịt hải sản có thể gây ngộ độc.
Biểu hiện ngộ độc cá biển có histamin
Vài phút tới 4 giờ sau khi ăn, người ăn biểu hiện đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, cảm giác khó chịu. Tình trạng đỏ da tập trung nửa người trên (đầu, ngực và một phần bụng) và ít khi da nổi sẩn, sưng ở mặt hoặc lưỡi, môi, sung huyết kết mạc, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể có thắt phế quản, khó thở, trống ngực, mạch nhanh, có thể có huyết áp tụt.
Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân cải thiện sau vài giờ.
3. Các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản
Khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, xử lý các bước sơ cứu nhanh như sau:
Bước 1: Sơ cấp cứu ổn định nạn nhân, cố gắng hạn chế tử vong
Nếu nạn nhân co giật, hôn mê: Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.
Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.
Nôn, tiêu chảy mất nước: nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.
Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 2: Các biện pháp tẩy độc
Các biện pháp này chỉ áp dụng ngoài cộng đồng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, toàn trạng còn ổn định, còn nói rõ và ho khạc tốt.
Gây nôn: chỉ nên thực hiện với trẻ em lớn và người lớn. Nạn nhân tự thực hiện bằng cách uống nước mỗi lần 300 -500ml nước, sau đó nằm nghiêng sang bên trái, tự dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để gây nôn.
Uống than hoạt: thực hiện với trẻ em có thể tự thực hiện và người lớn. Nếu có than hoạt mang theo trên tàu thuyền hoặc ở nhà, đặc biệt loại than hoạt dạng lỏng rất tốt. Uống than hoạt với liều 20-40 gam.
Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
4. Đề phòng ngộ độc cá biển và hải sản nói chung
Theo chuyên gia dinh dưỡng, ThS. BS Lê Thị Hải: Để phòng ngừa ngộ độc hải sản, cần phải lưu ý những điều sau:
Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng. Chú ý không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác lạ. Hải sản đã chết có thể tiết ra chất độc do đó tuyệt đối không ăn hải sản ươn, chết.
Khi chế biến cá biển cần làm sạch cá ngay khi còn tươi, không ăn phần lòng cá vì ruột cá là nơi chứa nhiều vi khuẩn dễ dàng ngấm nhanh vào thịt cá và dễ gây ngộ độc. Cần chế biến sạch và nấu chín kỹ, nhất là các loại hải sản để đông lạnh phải rã đông đúng cách.
Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn hải sản lạ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
10 loại thực phẩm tốt cho phổi sau mắc COVID-19