Lao màng bụng mạn tính được chia thành 3 thể là cổ trướng, loét bã đậu, xơ dính.
Thể cổ trướng: Biểu hiện đầu tiên là sốt nhẹ 37-38oC kéo dài, thường từ chiều và đêm, nhưng có thể sốt cao 39-40oC hoặc bệnh nhân không nhận ra là có sốt. Bệnh nhân thường ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, gầy sút. Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc đau từng cơn với vị trí đau không rõ ràng, bụng trướng, rối loạn tiêu hóa (đại tiện phân táo lỏng thất thường). Bụng to dần lên thường ở mức độ vừa, cảm giác tức nặng. Bụng bè ngang, rốn lồi ở tư thế nằm. Khi bệnh nhân ngồi hoặc đứng, bụng xệ và lồi ra phía trước. Da bụng căng, nhẵn bóng, trắng như sáp nến. Khi thăm khám có thể thấy những mảng chắc, rải rác khắp bụng.
Chọc dò ổ bụng để xét nghiệm dịch tiết trong lao màng bụng. |
Lao màng bụng thể cổ trướng là thể nhẹ, nếu được điều trị sớm, đúng phác đồ thì đa số diễn biến và tiên lượng tốt. Nếu không được điều trị tốt thì sẽ chuyển nhanh sang thể bã đậu hóa hoặc xơ dính hóa.
Thể bã đậu hóa: Thường là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng. Khá nhiều bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn này vì giai đoạn cổ trướng diễn biến kín đáo.
Cũng như thể cổ trướng, bệnh nhân thường sốt nhẹ về chiều hoặc không sốt; nhiều người thì bị sốt liên tục kéo dài, có những đợt sốt 39-40oC. Tuy nhiên, ở thể bã đậu hóa, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ hơn: cơ thể suy sụp, mệt mỏi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ; đau bụng từng cơn, có khi dữ dội; buồn nôn, nôn; bụng trướng to nhưng không đối xứng, hình bầu dục, sôi bụng; đi ngoài phân lỏng, màu vàng, xen kẽ những đợt táo bón, phân có thể lẫn máu; ở nữ giới có thể rối loạn kinh nguyệt: thống kinh, rong kinh, vô kinh. Khi thăm khám có thể thấy vùng cứng xen kẽ vùng mềm, ấn tay vào vùng cứng có thể nghe thấy tiếng lọc sọc của hơi di động trong ruột. Ấn tay vào thành bụng rồi bỏ tay đột ngột, bệnh nhân có cảm giác tăng đau. Ở thể này, đôi khi có vùng dính cứng lớn ở các vị trí đặc biệt như hạ sườn phải, vùng hạ vị thì dễ nhầm với gan to hoặc khối u trong ổ bụng.
Tùy theo cơ địa, tuổi tác, độc lực và số lượng của vi khuẩn lao cũng như tình trạng phản ứng của cơ thể người bệnh mà trên lâm sàng có các thể lao màng bụng cấp tính, bán cấp và mạn tính với các biểu hiện mờ nhạt hay rầm rộ. Hình: minh họa
Lao màng bụng thể bã đậu hóa là một thể nặng, có thể gây ra những ổ áp-xe địa phương và có thể vỡ gây rò mủ ra thành bụng hoặc rò vào đại tràng chất bã đậu theo phân ra ngoài. Bệnh nhân có thể tử vong do suy mòn, do các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa. Bệnh nhân càng trầm trọng hơn khi có dấu hiệu lao phổi, lao các cơ quan khác.
Thể xơ dính: Đây là thể nặng nhất của lao màng bụng mạn tính, là giai đoạn tiếp theo của lao màng bụng cổ trướng hoặc loét bã đậu. Vì xơ dính với các đoạn ruột nên có thể làm thắt ruột, gây hội chứng bán tắc hoặc tắc ruột phải can thiệp bằng ngoại khoa. Ngoài ra, thể xơ dính còn có thể gây viêm dính quanh gan, mật, viêm tắc vòi trứng. Thể này thường diễn biến nặng, dễ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, thể bệnh này ngày càng hiếm gặp, đặc biệt từ khi có thuốc chống lao.
Khuyến cáo của thầy thuốc Khi bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ bị lao màng bụng sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu (thường là bạch cầu tăng, nhất là lymphocyt), làm phản ứng mantoux, xét nghiệm dịch ổ bụng, soi ổ bụng và sinh thiết màng bụng, siêu âm ổ bụng có giá trị phát hiện dịch màng bụng và các hạch mạc treo... Trong các xét nghiệm trên th. soi màng bụng rất có giá trị trong chẩn đoán. Khi soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao như hạt kê trên phúc mạc thành và phúc mạc tạng, trắng đục, bóng sáng, rải rác hoặc tụ thành đám. Đám dính che lấp các tạng, dải dính ở hố chậu hoặc quai ruột với thành bụng. Sung huyết nhiều ở quai ruột và phúc mạc. Sau khi thăm khám và xác định thể bệnh, mức độ của bệnh, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các thuốc lao đặc hiệu kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng phù hợp. Với bệnh lao màng bụng, chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa với những nguyên tắc và phác đồ như trong điều trị lao phổi. Khi trong ổ bụng có nhiều dịch, ép lên ngực làm cho người bệnh khó thở phải chọc hút để giảm áp lực th. triệu chứng khó thở sẽ cải thiện. Nếu người bệnh có các dấu hiệu tắc ruột như đau bụng nhiều, nôn, có dấu hiệu rắn bò, do dính cần phải can thiệp ngoại khoa. |
BS. TRẦN HẠNH HOA