Hà Nội

Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc methanol từ những loại rượu trôi nổi

08-08-2022 06:33 | Y học 360
google news

SKĐS - Hình ảnh những chai rượu màu, rượu thuốc hay rượu trắng bên cạnh vài chiếc chén bày sẵn trên bàn ở quán ăn bình dân khá quen thuộc với mọi người và thi thoảng ngồi với bạn bè rót ra làm đôi ba chén rất tiện lợi. Có điều, ít người nghĩ tới nguy cơ ngộ độc rượu methanol từ những chiếc chai nhỏ này luôn hiện hữu...

Tin mới nhất vụ ngộ độc methanol tại TP.HCM: Thêm 1 nạn nhân tổn thương não nguy kịchTin mới nhất vụ ngộ độc methanol tại TP.HCM: Thêm 1 nạn nhân tổn thương não nguy kịch

SKĐS - Vụ nhóm 8 sinh viên uống rượu, 2 người tử vong xảy ra trên địa bàn TP.Thủ Đức, có thêm một nữ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị tổn thương não lan tỏa, nguy kịch tính mạng dù cho nồng độ methanol trong máu đã giảm.

1. Methanol gây ngộ độc như thế nào?

Theo tài liệu của Bộ Y tế: Methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm sơn, làm dung môi như sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh. Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm chất lỏng rửa kính chắn gió, chất chống đông đường khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, chất lỏng máy sao chép, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thức ăn và các loại nhiên liệu khác…

Vì có độc tính cao với cơ thể nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng rất nhỏ trong các dung dịch công nghiệp chứ không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol (Được biết đến như là rượu etylic, ancol etylic, rượu ngũ cốc hay cồn. Đây là một hợp chất hữu cơ dễ cháy, không màu. Là một trong các rượu thông thường có trong thành phần của đồ uống chứa cồn.).

Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc rượu methanol từ những loại rượu trôi nổi  - Ảnh 2.

Nhận biết sớm trường hợp ngộ độc methanol có thể ngừa được những ca tử vong thương tâm. Ảnh minh họa: Internet

Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, thể tích phân bố 0,7 L/kg, không gắn với protein huyết tương; phần lớn được chuyển hóa qua gan nhưng chậm. Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu say rượu) nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành acid formic, sau đó thành fomate, gây nhiễm toan chuyển hóa, gây độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác, có thể đe dọa tính mạng.

Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, có thể bị bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol do chú ý hơn vào triệu chứng ngộ độc kiểu ethanol.

Ngộ độc methanol thường nặng, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực. Với các ca ngộ độc rượu có chứa methanol, điều đáng buồn là vẫn thường xuyên xảy ra trên toàn thế giới liên quan đến việc tiêu thụ rượu bất hợp pháp. Cần lưu ý rằng những vụ ngộ độc như vậy thường xảy ra do pha methanol vào rượu mạnh (chủ yếu được tìm thấy trên thị trường bất hợp pháp).

Uống rượu pha từ cồn công nghiệp, methanol (các loại rượu không rõ nguồn gốc) hoặc vô tình/ cố ý uống các dung môi, cồn công nghiệp, cồn sát trùng có thể dẫn đến ngộ độc methanol...

2. Biểu hiện ngộ độc methanol

Các triệu chứng nhiễm độc do methanol có thể xuất hiện trong vòng 30 phút, 1 giờ đến 3 ngày, tùy thuộc vào số lượng và tình trạng bệnh nhân có uống cả ethanol hay không.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, người uống cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc rượu methanol từ những loại rượu trôi nổi  - Ảnh 4.

Các triệu chứng nhiễm độc do methanol có thể xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc lâu hơn tùy số lượng bệnh nhân uống. Ảnh: Internet

Ngộ độc methanol thường có 2 giai đoạn, giai đoạn kín đáo trong vòng vài giờ đến khoảng 30 giờ (ức chế thần kinh nhẹ, an thần, vô cảm) và sau đó là giai đoạn ngộ độc rõ. Biểu hiện thường gặp là:

+ Thần kinh: Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

+ Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12-14h nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị…

+ Các di chứng thần kinh: Rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng Parkinson, thiếu hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác, giả liệt vận nhãn…

+ Tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim.

+ Hô hấp: Thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.

+ Tiêu hóa: Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, tiêu chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.

+ Thận: Suy thận cấp, biểu hiện đái ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp không có các xét nghiệm thì nhận biết chẩn đoán dựa vào 2 trong 3 các tiêu chuẩn sau:

  • Người nghiện rượu, người uống rượu hàng ngày nhưng phải nhập viện vì say rượu.
  • Có biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa trên lâm sàng: thở nhanh, sâu.
  • Có mờ mắt.

Các biến chứng xảy ra như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, tổn thương não, mờ mắt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, viêm dạ dày, rối loạn nước, điện giải, sặc phổi, viêm phổi, tiêu cơ vân, suy thận và nguy cơ tử vong.

Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc rượu methanol từ những loại rượu trôi nổi  - Ảnh 6.

Bác sĩ và điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định chăm sóc và theo dõi bệnh nhân ngộ độc methanol do uống rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVCC

3. Phương pháp điều trị

Các bác sĩ sẽ sử dụng giải độc đặc hiệu, chỉ định lọc máu sớm nếu có bằng chứng rõ ràng. Xét nghiệm nồng độ methanol và ethanol làm cơ sở chẩn đoán chắc chắn. Ngoài ra sẽ điều trị triệu chứng và các biến chứng, điều trị hỗ trợ.

Phương pháp lọc máu cơ thể có tính quyết định, được chỉ định khi bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol có nồng độ methanol máu > 50mg/dL hoặc khoảng trống ALTT > 10mOsm/kg; Toan chuyển hóa rõ bất kể nồng độ methanol; Bệnh nhân có rối loạn về nhìn; Suy thận không đáp ứng với điều trị thường quy; Ngộ độc methanol ở người nghiện rượu bất kể nồng độ methanol máu. Có 3 phương thức lọc là lọc máu thẩm thấu, lọc máu liên tục và lọc màng bụng tùy theo tình trạng bệnh nhân và điều kiện cơ sở y tế.

Những trường hợp ngộ độc nhẹ sẽ nhanh ổn định nếu được điều trị sớm và đúng. Bệnh nhân thường hồi phục khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp nặng nếu uống nhiều methanol, đến bệnh viện muộn hoặc chẩn đoán không được phát hiện kịp thời, các biến chứng nặng nề và tử vong có thể xảy ra.

4. Để không ngộ độc methanol do rượu

Cách tốt nhất để phòng ngộ độc methanol do uống rượu là không uống rượu.

Nếu không thể từ chối thì uống hạn chế và chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không uống các loại rượu trôi nổi, rượu giả, rượu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Ngộ độc rượu rởm chứa methanolNgộ độc rượu rởm chứa methanol

SKĐS - Chúng ta hẳn chưa quên vụ ngộ độc rượu tại Bắc Ninh đã lấy đi tính mạng của một thanh niên 32 tuổi, dù đã được Trung tâm chống độc Bạch Mai tích cực cứu chữa.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đại Dịch Covid-19: Bùng Lên Những Con "Sâu Rượu" Ở Vương Quốc Anh



Hoàng Nam (tổng hợp)
Ý kiến của bạn