Nhận biết sớm bệnh bạch hầu, căn bệnh dễ gây tử vong nếu không điều trị kịp thời

07-05-2023 08:23 | Y học 360

SKĐS - Mặc dù bệnh bạch hầu thường có nguy cơ cao với nhóm trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi nhưng ngày 6/5, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận một ca bệnh nhi 10 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu sau nhiều năm trở lại đây.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Điện Biên cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định bệnh nhi Sủng Thị L. (SN 2013, trú xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) tử vong do mắc bệnh bạch hầu, Sở Y tế Điện Biên đã thành lập tổ công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch, những người tiếp xúc gần với bệnh nhi được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Vậy bạch hầu là căn bệnh như thế nào, cách phòng ngừa bệnh ra sao?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và bệnh lây lan dễ dàng, diễn ra nhanh chóng nếu không được kiểm soát phòng dịch tốt. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến mũi và họng. Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc vệ sinh kém, những người không được nuôi dưỡng tốt, trẻ em và người lớn không được tiêm chủng cập nhật cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Nhận biết sớm bệnh bạch hầu, căn bệnh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời - Ảnh 1.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu.

1. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu

Theo BS. Ngô Văn Trường, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác: kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi.

Ở giai đoạn đầu, bệnh bạch hầu dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng nặng. Sốt nhẹ và sưng hạch ở cổ là những triệu chứng ban đầu khác.

Độc tố do vi khuẩn gây ra có thể dẫn đến một lớp phủ (hoặc màng) dày trong mũi, cổ họng hoặc đường thở. Lớp phủ này thường có màu xám hoặc đen mờ và có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và khó nuốt. Điều này làm cho nhiễm trùng bạch hầu khác với các bệnh nhiễm trùng phổ biến khác gây đau họng (chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn).

Khi nhiễm trùng tiếp tục, thường có các triệu chứng như: khó thở hoặc khó nuốt, nhìn song thị, thay đổi thị lực, nói ngọng và có dấu hiệu bị sốc (da nhợt nhạt và lạnh, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và có vẻ lo lắng).

2. Vấn đề gì có thể xảy ra?

Trong các trường hợp bệnh bạch hầu tiến triển ngoài nhiễm trùng cổ họng, độc tố sẽ lan truyền qua máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề có khả năng đe dọa tính mạng ảnh hưởng đến các cơ quan khác, chẳng hạn như tim và thận. Độc tố dễ làm tổn thương tim và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu, khiến thận gặp khó khăn trong việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, gây tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt

Có tới 50% những người mắc bệnh bạch hầu không được điều trị có thể tử vong.

Nhận biết sớm bệnh bạch hầu, căn bệnh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời - Ảnh 3.

Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ.

3. Bệnh bạch hầu có thể được ngăn ngừa?

Phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu/uốn ván/ho gà cho trẻ em và thanh thiếu niên và người lớn chưa được tiêm chủng.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm vaccine bạch hầu vào các thời điểm:

  • Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
  • Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván: tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.

Hầu hết trẻ em dung nạp vaccine tốt. Đôi khi nó gây ra các tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như mẩn đỏ hoặc đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ hoặc quấy khóc hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Rất hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như phản ứng dị ứng.

Vaccine bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.

Nhận biết sớm bệnh bạch hầu, căn bệnh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời - Ảnh 4.

Bệnh bạch hầu dễ lây lan và có nguy cơ thành dịch nếu không kiểm soát được ổ dịch.

4. Bệnh bạch hầu có lây không?

Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan. Nó dễ dàng truyền từ người bị nhiễm bệnh sang người khác khi hắt hơi, ho hoặc thậm chí là cười đùa. Nó cũng lây sang nếu người chạm vào khăn giấy, ly uống nước... đã được người bị nhiễm bệnh sử dụng.

Những người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào, có thể lây nhiễm cho người khác trong tối đa 4 tuần. Thời gian ủ bệnh (thời gian để một người bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc) đối với bệnh bạch hầu là từ 2 đến 4 ngày, cũng có thể dao động từ 1 đến 6 ngày.

5. Bệnh bạch hầu được điều trị như thế nào?

BS. Ngô Văn Trường
https://suckhoedoisong.vn/benh-bach-h...

Trẻ em và người lớn mắc bệnh bạch hầu được điều trị tại bệnh viện. Sau khi bác sĩ xác nhận chẩn đoán thông qua nuôi cấy mẫu bệnh phẩm, người nhiễm bệnh sẽ được tiêm một loại thuốc chống độc tố đặc biệt, được tiêm hoặc truyền tĩnh mạch để vô hiệu hóa độc tố bạch hầu đã lưu hành trong cơ thể, cộng với thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu còn lại.

Những người bị nhiễm trùng nặng có thể cần máy thở, nếu chất độc đã lan đến tim, thận hoặc hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân cần truyền dịch IV, liệu pháp oxy hoặc thuốc trợ tim theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Một người mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly. Các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần gũi khác chưa được tiêm chủng, hoặc những người còn rất nhỏ hoặc người cao tuổi phải được bảo vệ để không tiếp xúc với bệnh nhân. Khi ai đó được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bác sĩ sẽ thông báo cho cơ sở y tế địa phương và tiến hành điều trị cho mọi người trong gia đình đã tiếp xúc với vi khuẩn.

Với sự chăm sóc kịp thời tại bệnh viện, hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh bạch hầu. Sau khi thuốc kháng sinh và thuốc kháng độc phát huy tác dụng, người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường một thời gian (4 đến 6 tuần, hoặc cho đến khi hồi phục hoàn toàn). Nghỉ ngơi tại giường đặc biệt quan trọng nếu bị viêm cơ tim - một biến chứng của bệnh bạch hầu.

Sau khi hồi phục, những người mắc bệnh bạch hầu vẫn nên tiêm tất cả các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm trùng khác. Mặc dù đã từng mắc bệnh cũng không đảm bảo khả năng miễn dịch suốt đời.

Bệnh bạch hầu: Nhận biết nguyên nhân và cách điều trịBệnh bạch hầu: Nhận biết nguyên nhân và cách điều trị

SKĐS - Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác: kết mạc mắt, bộ phận sinh dục.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả với các tư vấn của chuyên gia

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn