Các yếu tố nguy cơ
Phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em. Phình động mạch não là sự phình ra của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu. Tại nơi túi phình hình thành thì thành mạch máu trở nên mỏng và yếu hơn, do đó thành mạch dễ vỡ, máu tràn vào khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Máu có thể tràn vào hệ thống não thất và vào nhu mô não gây nên máu tụ trong não. Các tổn thương này gây kích ứng hoặc phá hủy các tế bào não lân cận, có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được là tỷ lệ nữ nhiều hơn nam và phình động mạch não có tính chất gia đình. Theo nghiên cứu, khi có 2 người thân nhất bị phình mạch, tỷ lệ mắc trong nhóm này khoảng 7-20%. Ngoài ra, do các rối loạn mô liên kết: bệnh thận đa nang, hội chứng Ehlers-Danlos type IV, thiếu hụt α1-Antitrypsin...
Các yếu tố nguy cơ thay đổi được là do lối sống sinh hoạt như: hút thuốc lá, tăng huyết áp, sử dụng rượu, cà phê,... Một số loại thuốc có thể là nguy cơ gây tình trạng phình động mạch não.
Phẫu thuật cho bệnh nhân phình mạch não.
Dấu hiệu nhận biết
Một số người bị túi phình mạch não không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ. Những túi phình nhỏ thường không gây triệu chứng nhưng với những túi phình lớn có thể gây đau đầu kéo dài hoặc đau khu trú tại vùng có túi phình. Nếu túi phình nằm cạnh những cấu trúc thần kinh quan trọng có thể gây các triệu chứng như mờ mắt, liệt hoặc yếu nửa người, giảm trí nhớ hoặc khả năng nói, hiếm gặp có thể gây động kinh.
Chúng ta không biết được chính xác khi nào túi phình mạch não vỡ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ vỡ của túi phình: tăng huyết áp, các động tác nâng vác vật nặng gây tăng huyết áp đột ngột. Các xúc cảm mạnh gây tăng huyết áp.
Khi túi phình vỡ, máu chảy vào khoang dưới nhện quanh nhu mô não gây ra các triệu chứng đột ngột như: đau đầu dữ dội; nôn, buồn nôn, yếu liệt, suy giảm ý thức hoặc hôn mê. Người bệnh khó nói, co giật... Điều trị cấp cứu sớm nhất rất cần thiết để cứu tính mạng bệnh nhân cũng như giảm thiểu các di chứng.
Theo phân loại Hunt-Hess, phình động mạch não được chia ra 5 cấp độ. Độ 1- Không có triệu chứng hay có đau đầu nhẹ. Độ 2- Đau đầu từ vừa đến nặng, cứng gáy, liệt vận nhãn. Độ 3- Lơ mơ, lú lẫn, dấu thần kinh định vị nhẹ. Độ 4- Trạng thái sững sờ, hôn mê, liệt nửa người, rối loạn thần kinh thực vật. Độ 5- Hôn mê sâu và duỗi cứng mất não.
Điều trị
Bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường, theo dõi sát tri giác, mạch, huyết áp, đường thở, lập đường truyền tĩnh mạch, bổ sung dịch. Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc giảm đau, giảm kích thích, chống co giật, chống co thắt mạch và duy trì huyết áp ổn định.
Đối với trường hợp cần phẫu thuật thì dựa vào vị trí, kích thước, số lượng túi phình, tình trạng lâm sàng bệnh nhân, kinh nghiệm từng trung tâm và khả năng gây mê hồi sức mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật kẹp cổ túi phình hay can thiệp nội mạch.
Phình mạch não là một bệnh nguy hiểm, phát triển thầm lặng, có thể giết chết bệnh nhân bất cứ lúc nào khi phình mạch vỡ. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay, chúng ta có thể phát hiện và loại trừ phình mạch trước khi vỡ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra như: những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu... Nếu có điều kiện, nên sàng lọc thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.