Có một bệnh hiểm do nhiễm khuẩn vùng chậu, lây lan qua vùng bụng và gây viêm của các mô xung quanh gan còn có tên gọi là hội chứng Fitz- Hugh-Cartis (FHCS). Bệnh gây viêm bao gan, phối hợp với nhiễm khuẩn vùng chậu. Viêm bao gan và nhiễm khuẩn đường sinh dục xảy ra trên 25% bệnh nhân bị bệnh viêm vùng chậu. Đặc trưng của bệnh là cơn đau nhói ở hạ sườn phải, thường đi kèm với các dấu hiệu viêm tử cung.
Cho đến nay, hội chứng FHCS vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà chuyên môn cho rằng có những yếu tố liên quan đến bệnh: một là nhiễm khuẩn gan trực tiếp, vi khuẩn gây viêm bao gan di chuyển từ vùng sinh dục qua các ống dẫn trứng đến đại tràng và đến bao gan. Nhưng do bệnh cũng gặp ở nam giới nên người ta nghĩ rằng phải có một cơ chế nhiễm khuẩn khác. Hai là nhiễm khuẩn qua đường máu: người ta cho rằng vi khuẩn có thể đi từ vùng chậu đến gan qua máu. Tuy nhiên, không có bằng chứng hỗ trợ giả thuyết này trong hầu hết các ca bệnh. Ba là nhiễm qua đường bạch huyết: quan điểm này có phần hợp lý do vi khuẩn có thể lây lan từ vùng chậu đến bao gan thông qua hệ thống bạch huyết. Cơ chế này có thể giải thích lý do vì sao hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh không có bằng chứng của nhiễm khuẩn trong ổ bụng hoặc nhiễm khuẩn máu. Tuy nhiên, không có bằng chứng giải phẫu kết nối hệ thống bạch huyết vùng chậu và vùng gan. Bốn là do phản ứng quá mẫn: FHCS có thể là kết quả của phản ứng quá mẫn đối với vi khuẩn C. trachomatis, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng cao nồng độ IgG chống Chlamydia ở những bệnh nhân bị viêm bao gan và viêm vòi trứng hơn ở những bệnh nhân chỉ bị viêm vòi trứng.
Hình ảnh viêm bao gan trên phim chụp cắt lớp.
Biểu hiện bệnh ở gan và vùng chậu
Bệnh nhân mắc FHCS thường có các triệu chứng như sau: sốt, đau bụng, ra nhiều huyết trắng (ở bệnh nhân nữ). Đau hạ sườn phải: với các cơn đau nhói ở hạ sườn phải. Cơn đau có thể lan lên vai phải hoặc mặt trong cánh tay phải. Kèm theo tình trạng buồn nôn, nôn, nấc, sốt ớn lạnh, đổ mồ hôi về đêm, đau đầu, có cảm giác bứt rứt, khó chịu. Đau tăng khi vận động. Cơn đau hạ sườn phải thường đi kèm với đau bụng dưới, mà rất hiếm khi xảy ra riêng rẽ. Khám thấy bệnh nhân có cơn đau cường độ vừa hoặc dữ dội ở hạ sườn phải; Kiểm tra âm đạo có huyết trắng hôi, ấn đau cổ tử cung hoặc đau phần phụ. Chụp Xquang ngực và bụng loại trừ viêm phổi hoặc có hơi tụ dưới cơ hoành. Siêu âm nghiêng để đánh giá túi mật và gan, có thể loại trừ viêm túi mật, sỏi mật và các nguyên nhân gây đau hạ sườn phải khác. Xét nghiệm nồng độ men gan bình thường hoặc chỉ hơi tăng giúp loại trừ bệnh viêm gan. Bạch cầu bình thường hoặc tăng cao.
Trước một bệnh nhân FHCS, cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: viêm ruột thừa, viêm cổ tử cung, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung.
Cách chữa trị
Việc điều trị cho bệnh nhân mắc FHCS cần sử dụng thuốc kháng sinh sớm, mạnh, có hiệu lực với vi khuẩn. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), nên dùng các phác đồ kháng sinh phải có hiệu quả chống lại trachomatis, gonorrhoeae, các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn yếm khí và liên cầu khuẩn. Dùng thuốc giảm đau và các vitamin C, nhóm B hỗ trợ chức năng gan.
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng trong bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ mắc bệnh. Liệu pháp sử dụng kháng sinh đơn thuần kết quả thành công trong 33 - 75% trường hợp. Phẫu thuật là điều cần thiết trong các trường hợp điều trị bảo tồn không đạt được kết quả.
Lời khuyên của bác sĩ
Bản chất của FHCS là nhiễm khuẩn, vì vậy, việc phòng bệnh quan trọng nhất là chống nhiễm khuẩn, trong đó chống nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục là quan trọng nhất. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm: quan hệ tình dục an toàn với việc sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục; vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục; khám phát hiện và điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm phụ khoa; thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để có thể lực tốt; tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Biến chứng có thể gặp
Nếu bệnh nhân mắc FHCS không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thường gặp các biến chứng: viêm vùng chậu, áp-xe buồng trứng, khả năng sinh sản trong tương lai có thể bị suy giảm hoặc có thể có nhiều nguy cơ bị thai ngoài tử cung, vô sinh, cấy ghép thất bại khi thụ tinh trong ống nghiệm...