Nhận biết nguyên nhân và xử trí các cơn đau nhức răng

10-02-2023 09:55 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Đau nhức răng là bệnh mà ai cũng từng nếm trải ít nhất một vài lần trong đời. Tuy không nguy hại cho sức khỏe, nhưng tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây ra không ít phiền toái cho người bệnh.

1. Đau nhức răng là gì?

Đau nhức răng là tình trạng bên trong hoặc xung quanh bề mặt răng có cảm giác đau buốt. Tùy nguyên nhân mà cảm giác đi kèm đau răng ở mỗi người một khác. Tuy nhiên một số cảm giác điển hình:

- Bệnh nhân thấy đau răng và thấy nướu xung quanh răng cũng đau.

- Có thể phát sốt.

- Cảm giác đau nhói khi chạm vào răng hoặc cắn.

-Thấy khó chịu khi ăn, nhất là đồ uống nóng hoặc lạnh.

Cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện từng cơn. Khi nhiệt độ trong khoang miệng thay đổi hay áp lực phát sinh lên răng khi nhai cũng có thể kích thích các cơn đau răng. Ngoài ra, một số trường hợp, đau nhức răng có thể xuất hiện mà không cần yếu tố kích hoạt nào. Cơn đau răng có thể xuất hiện âm ỉ, ê buốt răng hoặc đau dữ dội

2. Nguyên nhân gây đau nhức răng

Các nguyên nhân phổ biến gây đau nhức răng:

- Sâu răng: Tình trạng này sẽ làm thủng lớp men rồi tiến đến ngà răng gây ra cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh. Sau đó, sâu răng tiếp cận buồng tủy sẽ càng gây đau đớn.

- Viêm tủy: vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng và làm cho tủy sưng lên và bị viêm. Ở giai đoạn đầu của viêm tủy răng, răng chỉ hơi nhạy cảm khi dùng đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nhưng để càng lâu, cơn đau sẽ tăng lên kèm theo nguy cơ bị mất răng.

- Bệnh về nướu: Bệnh nướu răng diễn ra rất nhanh nên rất nguy hại. Trong trường hợp xấu nhất, sẽ dẫn đến nhiễm trùng răng.

- Áp xe răng: Nhiễm trùng từ bên trong răng rồi lan đến chân răng và những bộ phận xung quanh gây mất răng, viêm tủy, viêm xương, viêm hạch, làm tiêu xương hàm…

- Mọc răng khôn rất dễ dẫn đến tình trạng đau răng hàm; nhiễm trùng nướu; sâu răng

- Viêm xoang: Phần chân răng hàm trên tương đối gần với các hốc xoang hàm trên nên viêm xoang có khả năng ảnh hưởng đến răng hàm khiến chúng trở nên nhạy cảm và ê buốt.

photo-1675832541113

Đau buốt là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý về răng.

- Ngoài ra, đau nhức răng còn do các nguyên nhân khác như: Sau các quy trình điều trị về răng: khi trám hoặc bọc; Do nghiến răng; Gãy răng hay bề mặt chân răng bị lộ…

3. Khi nào nên đi gặp nha sĩ?

Cần đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt khi: Tình trạng đau răng kéo dài hơn 1 – 2 ngày; Cường độ đau tăng dần; bị sốt, đau tai hoặc cảm thấy đau khi mở miệng.

Đối với các bệnh nhiễm trùng răng, xác định sớm và điều trị đúng phương pháp rất quan trọng, vì việc này sẽ ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang các bộ phận khác của khuôn mặt, cả hộp sọ hay thậm chí là máu.

4. Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau răng và mức độ nghiêm trọng để nha sĩ đưa ra cách chữa đau răng hiệu quả nhất. Bên cạnh loại bỏ hoàn toàn sự nhiễm trùng đang phát tác ở răng nha sĩ cũng sẽ nhanh chóng điều trị các thương tổn, nhằm bảo vệ khu vực nhạy cảm. Sau đây là một số phương pháp điều trị đau răng:

- Với sâu răng: cần loại bỏ bằng cách trám răng. Nếu lỗ sâu đã xâm nhập đến khu vực buồng tủy răng, nha sĩ sẽ cần điều trị tủy.

- Áp xe răng: nha sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để giải quyết. Nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng, có thể cần đồng thời uống kháng sinh cũng như một số quy trình bổ sung để giải quyết triệt để.

- Áp xe nha chu: nha sĩ thực hiện thủ thuật dẫn lưu đơn giản để lấy mủ ra và tiến hành xử lý vết thương và sát trùng khu vực này,. Tùy thuộc vào mức độ áp xe, đôi khi nha sĩ cũng kê toa thuốc kháng sinh dạng uống và hướng dẫn dùng nước súc miệng chứa chlorhexidine để hỗ trợ quá trình phục hồi.

- Gãy răng và hội chứng nứt răng: chụp răng giả là lựa chọn điều trị phổ biến nhất.

photo-1675832550569

Tùy theo nguyên nhân và mức độ mà nha sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp.

Để giảm cơn đau trước khi gặp nha sĩ, có thể áp dụng: Dùng thuốc giảm đau (Hapacol); Chườm lạnh ở má; Súc miệng bằng nước muối.

5. Làm sao để phòng ngừa đau nhức răng?

Phần lớn các cơn đau nhức răng đều phát sinh từ tình trạng sâu răng. Do đó, việc tuân theo các quy tắc vệ sinh răng miệng là biện pháp phòng ngừa tốt nhất:

- Đánh răng đúng cách thường xuyên với kem đánh răng chứa fluoride.

- Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn trong kẽ răng.

- Súc miệng với nước súc miệng sát trùng hàng ngày.

- Đến gặp nha sĩ mỗi năm hai lần để kiểm tra tổng quát răng.

Khi các cơn đau nhức răng xuất hiện, để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, bạn nên đến nha khoa càng sớm càng tốt tránh tình trạng để cơn đau ngày càng tồi tệ hơn.

Lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở người bệnh đái tháo đườngLưu ý khi chăm sóc răng miệng ở người bệnh đái tháo đường

SKĐS - Người mắc đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn những người khác. Bởi đường huyết cao tạo điều kiện thuận lợi gây bệnh răng miệng, nhưng bệnh răng miệng cũng tác động ngược lại làm cho việc kiểm soát lượng đường trở nên khó khăn hơn nhất là bệnh nha chu.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Tạm Thu Hồi Quyết Định Kỷ Luật Nữ Giáo Viên Bị Đồng Nghiệp “Khóa Tay” Mời Ra Khỏi Lớp Học | SKĐS

BS. Nguyễn Như Ngọc
Ý kiến của bạn