Hà Nội

Nhận biết nguyên nhân và phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu

04-03-2022 18:33 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính hay gặp ở đường tiêu hóa. Bệnh có tính chất tự miễn, gây loét và xuất huyết đại tràng, làm tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc. Bệnh dễ nhầm với các bệnh khác nên khiến người bệnh chủ quan chữa trị muộn gây nên biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu

photo-1646276090655

Hình ảnh viêm đại tràng chảy máu

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu hiện nay vẫn chưa rõ ràng  Các yếu tố nguy cơ:

  • Di truyền: Đa số người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có người thân trong gia đình bị bệnh này;
  • Bị nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm loét đại trực tràng chảy máu. Bệnh có thể gây khởi phát bệnh hoặc bị tái phát bệnh. Và thường bởi vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột như E.Coli, Shigella…
  • Yếu tố miễn dịch;
  • Lối sống: Do chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ chiên rán, cay nóng và sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, ga... Phụ nữ dùng thuốc tránh thai thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần so với người khác...
  • Tâm sinh lý: Căng thẳng, stress kéo dài cũng là một nguyên nhân gây bệnh viêm đại trực tràng chảy máu.

2. Biểu hiện của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Cần phân biệt với các bệnh tiêu hóa khác vì viêm loét đại trực tràng chảy máu ở giai đoạn nhẹ thường có những biểu hiện không quá rõ ràng:

  • Đau bụng;
  • Rối loạn phân, phân lỏng hoặc có nhầy máu nhiều lần trong ngày;
  • Sốt hiếm khi xảy ra, thường ở thể tiến triển nặng;
  • Có thể bị đau khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ đường mật;
  • Gầy sút cân, thiếu máu, đôi khi phù do suy dinh dưỡng.

Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau và thường gặp ở người trong khoảng 15-30 tuổi và 60-70 tuổi.

3. Chẩn đoán bệnh viêm đại trực tràng chảy máu

Bác sĩ sẽ dựa vào các phương pháp chẩn đoán:

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh để đưa ra chẩn đoán ban đầu: Đau bụng, đại tiện phân có nhầy máu…Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có khi đại tiện chỉ toàn nhầy máu có thể sốt, protein máu giảm….

Chẩn đoán cận lâm sàng

Một số phương pháp cận lâm sàng có thể sẽ được bác sĩ chỉ định.
‎-
Nội soi toàn bộ đại trực tràng: Việc nội soi và quan sát hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ phân loại được từng giai đoạn của bệnh.

- Chụp khung đại tràng; CT Scan ổ bụng: thành đại tràng dày liên tục tập trung ở đại tràng sigma và quanh trực tràng; Xét nghiệm máu: Hematocrit thường giảm, Protein phản ứng C tăng, máu lắng tăng…

Nhận biết nguyên nhân và phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu - Ảnh 3.

Đau bụng là biểu hiển điển hình của viêm loét đại trực tràng chảy máu.

4. Biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu

  • Phình giãn đại tràng: thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng;
  • Thủng đại tràng: bệnh cảnh viêm phúc mạc. Là cấp cứu ngoại khoa;
  • Xuất huyết tiêu hóa: là triệu chứng của bệnh nhưng trong các đợt tiến triển thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa nặng lên;
  • Ung thư hóa: viêm loét đại – trực tràng chảy máu có tỉ lệ ung thư hóa cao. Tỉ lệ ung thư chiếm 10-15% sau 10 năm.

5. Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu như thế nào?

Điều trị nội khoa

Tùy vào thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chữa bệnh. Người bệnh cần: Sử dụng thuốc theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ. Truyền máu cho bệnh nhân nếu như đại trực tràng bị xuất huyết nặng gây ra thiếu máu, tụt huyết áp để bù vào lượng máu đã mất. Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh, cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.

Mức độ nhẹ hoặc vừa: Nên chọn thức ăn mềm, hạn chế chất xơ tạm thời; Mức độ nặng: Nhịn ăn hoàn toàn; Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch bằng đạm toàn phần, dung dịch acid béo, đường, đảm bảo 2500 Kcalo/ngày; Bổ sung sắt, axit folic 1mg/ngày nếu dùng thuốc 5- ASA kéo dài; Bồi phụ nước điện giải. Phân lỏng: Dùng các thuốc bọc niêm mạc; Đau bụng: Dùng các thuốc giảm co thắt.

Điều trị ngoại khoa

Cắt đoạn đại tràng hay cắt toàn bộ đại tràng chỉ định khi:

  • Thủng đại tràng;
  • Phình giãn đại tràng nhiễm độc;
  • Chảy máu ồ ạt mà điều trị nội khoa thất bại;
  • Ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng.

6. Biện pháp phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nên ngay từ đầu nên phòng ngừa bệnh bằng cách:

  • Nên ăn uống khoa học đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, ăn thực phẩm nhiều chất xơ, ít dầu mỡ.
  • Tránh xa đồ cay nóng, chất kích thích và đồ uống có cồn;
  • Hãy cân bằng thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress kéo dài;
  • Uống đủ nước;
  • Vận động thường xuyên mỗi ngày;
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường sớm để đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời.
Sử dụng kháng sinh có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đại trực tràngSử dụng kháng sinh có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

SKĐS - Nghiên cứu mới cho thấy lạm dụng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Mời xem video được quan tâm:

Chung sống với F0: Giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách nào?


BS Đức Thịnh
Ý kiến của bạn