Hà Nội

Nhận biết nguyên nhân và phòng ngừa mụn chai

11-03-2023 13:36 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Mụn chai là 1 loại mụn cứng nằm sâu dưới da và có nhân cứng bên trong da. Mụn chai khiến cho làn da bệnh nhân trở nên sần sùi, thô ráp làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của gương mặt. Mụn chai nếu không được xử lý sớm và thực hiện điều trị đúng sẽ để lại sẹo rỗ, sẹo lõm.

Thế nào là mụn chai?

Mụn chai là một loại mụn bọc nằm sâu dưới da và có nhân cứng bên trong da. mụn chai xuất hiện khiến cho làn da bệnh nhân trở nên sần sùi, thô ráp làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của gương mặt. Mụn chai nếu không được xử lý sớm và thực hiện điều trị đúng còn có khả năng để lại sẹo rỗ, sẹo lõm rất khó điều trị về sau.

Mụn chai được chia thành 2 loại: mụn chai không viêm và mụn chai viêm. Mụn chai viêm là nỗi ám ảnh lớn vì nó có thể gây nên tình trạng sưng viêm, sưng tấy kèm theo cảm giác đau nhức rất khó chịu cho người bệnh. Mụn chai viêm cũng chính là thủ phạm gây nên những vết sẹo rỗ, sẹo lõm rất xấu xí trên bề mặt da.

photo-1678357970002

Mụn chai.

Từ lúc xuất hiện đến khi nốt mụn phát triển và hình thành, mụn chai sẽ tiến triển qua 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (là sự tăng tiết bã nhờn): Khi hormone trong cơ thể có sự thay đổi bất thường thì các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn, điều này dẫn đến tình trạng tăng tiết bã nhờn.

Giai đoạn 2 (Tăng sừng hóa nang lông): khi chịu sự tác động của các nhân tố bên ngoài môi trường, Dầu thừa và bã nhờn được tiết ra bị tích tụ dưới lỗ chân lông sẽ tạo nên tế bào chết và dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông và sinh ra mụn đầu đen, mụn ẩn, mụn đầu trắng.

Giai đoạn 3 (Tăng sinh vi khuẩn gây mụn): Khi lỗ chân lông bị bít tắc sẽ tạo ra môi trường kỵ khí và là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn P. Acne hoạt động. Chúng sinh sôi nảy nở một cách bất thường trên da.

Giai đoạn 4 ( Viêm nhiễm các nốt mụn): Cơ thể bệnh nhân sẽ tự tạo cơ chế tự bảo vệ khi phát hiện vi khuẩn P. Acne tăng sinh bất thường trên da. Lúc này sẽ hình thành các vết sưng tấy trên da, các nốt mụn đã thành mụn bọc bị viêm. Vi khuẩn càng phát triển thì mụn bọc sẽ viêm càng nặng.

Giai đoạn 5 (Các nốt mụn bị chai cứng dưới da): Khi các nốt mụn bọc bị viêm, mà bệnh nhân không được điều trị và hướng dẫn xử lý, chăm sóc da đúng cách sẽ khiến các nhân mụn ẩn dưới da không khô được, cộng với việc dùng tay sờ nắn nốt mụn, chà xát lên các nốt mụn tạo thành các nốt chai. Từ đó khiến mụn bị chai và thâm đen trên da.

Nguyên nhân gây mụn chai

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng mụn chai:

- Do cách điều trị mụn chưa đúng: Lạm dụng các loại thuốc kháng sinh trị mụn; sử dụng các loại kem trị mụn không phù hợp…

- Nặn mụn tại nhà không đúng cách, da tay đụng vào mụn không được vệ sinh sạch sẽ khiến vi khuẩn vào lỗ chân lông và kích thích sự hình thành mụn.

- Xử lý nhân mụn chưa đúng, chưa hiệu quả, nhân mụn vẫn còn ẩn dưới biểu bì da và lâu ngày sẽ hình thành nên mụn chai.

- Ngoài ra, mụn chai còn là hậu quả của các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày: Giờ giấc sinh hoạt ăn ngủ không khoa học, ngủ không đủ giấc và da mặt không được bảo vệ khỏi sự tác động của môi trường; chăm sóc da mặt không đúng cách; ăn nhiều các loại gia vị cay nóng… đều là những nguyên nhân gây rối loạn nội tiết và suy giảm sức đề kháng cũng là điều kiện thuận lợi để mụn chai phát triển.

Khi bị mụn nên chú ý các nguyên nhân gây mụn viêm để kịp thời chăm sóc và điều trị tránh để mụn bị chai lại sẽ khó điều trị. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các nguyên nhân chủ quan trong lối sống, sinh hoạt… nên điều trị mụn càng sớm càng tốt để tránh tình trạng mụn chai, thâm đen gây sẹo trên mặt.

Phòng tránh mụn chai

Nhận biết nguyên nhân và phòng ngừa mụn chai - Ảnh 3.

Nên uống nhiều nước để có làn da đẹp không mụn.

Để khắc phục và phòng tránh mụn chai, hãy chăm sóc da mụn khoa học như sau:

- Nếu bị mụn cần điều trị càng sớm càng tốt: Tốt nhất nên điều trị ngay từ khi mụn mới hình thành ở dạng mụn ẩn, mụn đầu đen và đầu trắng vì lúc này mụn chưa bị viêm nhiễm, điều trị sẽ sớm giúp rút ngắn thời gian và tránh để lại các biến chứng: mụn bọc sưng viêm hay mụn chai.

- Biết cách lấy nhân mụn: Chỉ nên lấy nhân khi mụn đã khô và gom cồi. Tránh lấy các nốt mụn đang viêm sưng khiến da viêm nhiễm và để lại các nốt chai thành sẹo thâm.

- Bỏ ngay thói quen sờ tay lên nốt mụn hoặc nặn mụn bằng tay: Thói quen này sẽ dẫn đến viêm và dẫn đến tình trạng chai sạm và thâm đen.

- Nên có chế độ ăn uống khoa học: Cần uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày; Ăn nhiều rau xanh và hạn chế tối đa các thức ăn cay nóng, ngọt và các thức uống có cồn… vì đây là nguyên nhân gây mụn và làm tăng sắc tố da khiến mụn chai thâm.

- Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng cá nhân tránh bị lên mụn viêm da.

- Chăm sóc da mụn đúng cách hàng ngày: Chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp; thực hiện chăm sóc cho da mụn từ làm sạch da, dưỡng ẩm, bảo vệ da…

Cách trị mụn trứng cá và mụn bọc tại nhà cực dễ làmCách trị mụn trứng cá và mụn bọc tại nhà cực dễ làm

SKĐS - Trước giờ đi ngủ, làn da của bạn dễ dàng ngấm các dưỡng chất trị mụn nhằm loại bỏ những nốt mụn đáng ghét, dù là mụn trứng cá, mụn bọc, mụn đầu trắng hay mụn đầu đen.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Chế Độ Ăn Uống -Vàng- Giúp Phòng Ngừa Sỏi Thận - SKĐS

BS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn