Nguyên nhân gây phát ban đỏ trên da và cách khắc phục

12-10-2022 15:12 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Phát ban đỏ trên da là sự thay đổi kết cấu hoặc màu sắc của da làm xuất hiện của các đốm đỏ hoặc nổi sẩn trên da. Da vùng bị bệnh có thể sẽ nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Bệnh tuy lành tính nhưng mang lại cảm giác rất khó chịu cho người bệnh.

1. Phát ban đỏ trên da là gì?

Phát ban đỏ trên da là tình trạng trên da xuất hiện các mảng, đốm đỏ gây ngứa rất khó chịu. Phát ban đỏ thường xuất hiện đột ngột trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Với hầu hết các trường hợp, chúng không nghiêm trọng.

Phát ban đỏ có thể là các ban chấm đỏ: các mảng đỏ nhỏ, phẳng trên da; Ban sẩn là những nốt nổi sần nhỏ màu đỏ. Khi cả hai dấu hiệu trên đều xuất hiện gọi là ban dạng dát sẩn. 

Sự đóng vảy, nứt da, hoặc loét da có thể xuất hiện chung với ban; Phát ban có kèm mụn nước được gọi là ban dạng mụn nước. Ngứa có thể có hoặc không đi kèm với phát ban.

2. Triệu chứng bệnh phát ban đỏ

Người bệnh có thể nhận biết tình trạng phát ban đỏ qua những triệu chứng:

  • Xuất hiện các nốt phát ban có màu hồng hoặc đỏ, có nổi mẩn hoặc mụn nước trên da.
  • Sau thời gian ngắn, vết ban lan ra các bộ phận khác gây ngứa ngáy và đau rát.
  • Trên da tổn thương có thể xuất hiện mụn mỏ, tăng sừng và tróc vảy.
  • Phát ban không đi kèm sốt.
Nhận biết nguyên nhân và khắc phục tình trạng phát ban đỏ trên da - Ảnh 2.

Phát ban đỏ có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng phát ban đỏ trên da

Viêm da do tiếp xúc

Đây là một nguyên nhân phổ biến nhất gây ban đỏ trên da. Ban đỏ xuất hiện khi da tiếp xúc trực tiếp với một chất lạ gây phản ứng dị ứng, dẫn đến nổi ban. Các nguyên nhân gây viêm da do tiếp xúc:

  • Sử dụng các sản phẩm làm đẹp, bột giặt xà phòng có chất tẩy rửa cao.
  • Sử dụng thuốc nhuộm quần áo.
  • Tiếp xúc với các hóa chất: cao su, đàn hồi, nhựa…
  • Tiếp xúc vào các cây độc: cây sồi, thường xuân…

Thuốc

Phát ban đỏ do dùng thuốc có thể hình thành khi:

  • Cơ thể phản ứng dị ứng với thuốc.
  • Do một số tác dụng phụ của thuốc uống.
  • Nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng thuốc.

Các nguyên nhân khác có thể gây phát ban

  • Xuất hiện tại vị trí côn trùng cắn: Ve cắn có thể lây truyền bệnh.
  • Viêm da dị ứng: Phát ban xảy ra chủ yếu ở những người bị hen hay dị ứng. Ban thường có màu đỏ gây ngứa và đóng vảy.
  • Bệnh vảy nến: Có thể gây ra đóng vảy, ngứa, phát ban đỏ hình thành dọc ở da đầu, khuỷu tay và khớp
  • Viêm da tiết bã: Thường ảnh hưởng đến da đầu, gây đỏ da, đóng vảy và gàu. Phát ban cũng có thể xảy ra trên tai, miệng, hoặc mũi. 
  • Lupus ban đỏ: Gây ra phát ban trên má, mũi. Ban này được xuất hiện ở 2 bên xương gò má.
  • Viêm khớp dạng thấp: Có thể gây nổi ban ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

4. Phát ban đỏ có nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Phát ban đỏ mà không sốt thường tự thuyên giảm sau một vài giờ và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bệnh do các nguyên nhân bệnh lý thì triệu chứng bệnh ngày càng lan rộng. Khi đó người bệnh không chỉ phải đối mặt với cảm giác khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt mà còn có nguy cơ nhiễm trùng, sốc phản vệ… 

Nên đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng:

  • Tổn thương thứ phát xuất hiện trên da: viêm loét, nứt nẻ, dày sừng… làm người bệnh ngứa ngáy, đau đớn.
  • Bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 ngày.
  • Phát ban lan rộng ra khắp cơ thể, đặc biệt ở miệng, lưỡi, họng.
  • Người bệnh bị tụt huyết áp và cảm thấy khó thở.
Nhận biết nguyên nhân và khắc phục tình trạng phát ban đỏ trên da - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

5. Điều trị phát ban đỏ

Các vết mẩn đỏ và tình trạng ngứa ngáy sẽ được giải quyết nhanh chóng khi bác sĩ chỉ định các loại thuốc:

  • Thuốc kháng histamin: Hydroxyzine,  Clorpheniramin, Cetirizine... có tác dụng ức chế cơ thể tiết ra histamin gây nổi mẩn và ngứa ngáy.
  • Thuốc corticoid: Fluocinolone, Triamcinolone, Hydrocortisone… giúp kháng viêm, ức chế hệ miễn dịch từ đó giảm nhanh triệu chứng phát ban, ngứa ngáy.
  • Thuốc bôi: Phenergan, Eumovate… làm dịu da, giảm ngứa.

Đa phần các loại thuốc làm bất hoạt histamin nên chỉ giải quyết được phần ngọn của bệnh mà không tác động vào nguyên nhân gây bệnh. Chính bởi vậy, sau khi ngưng thuốc, có thể các triệu chứng của phát ban đỏ sẽ quay trở lại. 

Đặc biệt sử dụng thuốc tây trong thời gian dài rất dễ gặp phải các tác dụng phụ: Đau dạ dày, nhờn thuốc…. Vì thế trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ chỉ định thuốc để điều trị phát ban đỏ hiệu quả.

6. Lời khuyên bác sĩ

Để giúp giảm bớt sự khó chịu ngứa ngáy và góp phần vào quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần:

  • Sử dụng sữa rửa mặt, xà bông… nhẹ, ít kích ứng.
  • Dùng nước ấm thay vì nước nóng để tắm rửa và gội đầu.
  • Không gãi gây chà xát, để cho ban tự khô.
  • Để hở cho những vùng nổi ban đỏ được thoáng.
  • Không sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng da mới để tránh kích ứng.
  • Dùng kem dưỡng ẩm không mùi để điều trị các bệnh ngoài da.
  • Tránh làm trầy xước vùng da bị phát ban vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
  • Nếu ban rất ngứa và gây khó chịu nên thoa kem chứa hydrocortisone.
  • Gội đầu với dầu gội trị gàu. Dầu gội trị liệu thường bán tại các nhà thuốc và được bác sĩ kê đơn.
Thuốc trị sốt phát ban ở trẻ nhỏThuốc trị sốt phát ban ở trẻ nhỏ

SKĐS - Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, do virus gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và có thể để lại biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

VIDEO: Ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm nào?

BS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn