Nhận biết nguyên nhân và điều trị triệt để ghẻ ruồi

28-09-2022 14:14 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ghẻ ruồi là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng cái ghẻ gây ra. Người bị bệnh ghẻ ruồi thấy ngứa thường xuyên, nhất là ban đêm gây khó tập trung khi làm việc và nghỉ ngơi, đặc biệt cảm thấy mặc cảm, tự ti với những người xung quanh.

1. Ghẻ ruồi là gì?

Đây là một dạng của bệnh ghẻ do bọ ve Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Đặc trưng lớn nhất là sự xuất hiện của các tổn thương trên da với hình dạng giống như con ruồi. Bệnh thường liên quan tới việc vệ sinh da kém.

Bệnh ghẻ ruồi thường lây lan rất nhanh. Ngoài lây nhiễm sang các vùng da khỏe mạnh trên cơ thể người bệnh thì còn có thể lây sang người lành khác thông qua nhiều con đường khác nhau.

2. Triệu chứng của bệnh ghẻ ruồi

Ghẻ cái khi xâm nhập vào da sẽ tấn công lớp biểu bì và tiến hành đào hầm vào ban đêm và đẻ trứng vào ban ngày. Quá trình này sẽ tiếp diễn theo vòng tròn liên tục từ 4 – 6 tuần liền. Khi cơ thể bị ký sinh trùng ghẻ ruồi tấn công sẽ có các triệu chứng:

- Ngứa ngáy: đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Các vị trí dễ xuất hiện ghẻ ruồi là vùng cánh tay, kẽ tay, bàn chân, mặt, đầu cổ, lòng bàn tay và lòng bàn chân… thậm chí toàn cơ thể. Ban đêm hoặc khi trời nóng, ghẻ cái sẽ chui ra khỏi hang và đào hầm khiến cơn ngứa ngáy trở nên nghiêm trọng hơn.

- Trên da người bệnh xuất hiện một số mụn nước đỏ và lan rộng ra những vùng da xung quanh và gây lở loét. Các vết loét này có hình dáng như con ruồi.

- Các vết loét ngày càng lan rộng do người bệnh gãi và làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm rất nguy hiểm.

photo-1664185301177

Ghẻ ruồi do ký sinh trùng cái ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis gây ra.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ ruồi

Ghẻ ruồi do ký sinh trùng cái ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Trong khi ghẻ đực làm nhiệm vụ giao hợp và sẽ chết ngay sau đó. Vì vậy, tác nhân gây tổn thương da và làm phát sinh triệu chứng chính là ghẻ cái. Chúng sẽ tấn công sâu vào da, đào hang và đẻ trứng và sinh sôi rất nhanh. Ký sinh trùng cái ghẻ có thể tồn tại ở khắp nơi mà mắt thường khó có thể thấy được.

Bất cứ ai cũng sẽ có khả năng bị bệnh ghẻ ruồi. Nhưng ý thức vệ sinh kém và điều kiện môi trường bẩn chính là điều kiện thuận lợi gây ra bệnh ghẻ ruồi.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ:

- Vệ sinh thân thể kém: Do việc vệ sinh cơ thể không tốt, không thường xuyên tắm rửa làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, người có làn da dầu, dễ đổ mồ hôi cần chú ý vệ sinh cơ thể hơn.

- Môi trường sống ô nhiễm: Trong môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm hay sử dụng nguồn nước ô nhiễm thì nguy cơ mắc bệnh ghẻ ruồi cũng cao hơn. Đặc biệt, môi trường mưa nhiều, ngập lụt chính là điều kiện thuận lợi để bệnh ghẻ sinh sôi và phát triển mạnh.

- Móng tay dài không được vệ sinh sạch sẽ là nơi trú ẩn lý tưởng của cái ghẻ. Khi dùng móng tay bẩn đó để gãi lên bề mặt da, cái ghẻ có thể xâm nhập vào lớp biểu bì và gây bệnh.

- Bị lây bệnh từ người khác: Ghẻ ruồi có khả năng lây nhiễm rất nhanh từ người sang người nếu tiếp xúc với vùng da bệnh hay dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn tắm, quần áo, chăn gối… Ngoài ra, việc ngủ chung giường hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh cũng sẽ khiến có nguy cơ bị bệnh ghẻ ruồi

- Nuôi chó mèo: Lông động vật thường là địa điểm trú ngụ lý tưởng của ghẻ cái.

photo-1664185305025

Không dùng tay cào gãi lên tổn thương da.

4. Bệnh ghẻ ruồi có nguy hiểm không?

Bệnh ghẻ ruồi nếu phát hiện sớm thì có thể chữa trị dễ dàng. Tuy nhiên nếu chủ quan thì tổn thương trên da có thể bị lan rộng và ảnh hưởng sâu. Có trường hợp còn gây bội nhiễm hay chàm hóa da.

Các triệu chứng của bệnh thường kích hoạt phát triển vào ban đêm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ khiến cơ thể lâm vào tình trạng mệt mỏi, stress.

5. Phương pháp điều trị bệnh ghẻ ruồi

Khi có các dấu hiệu của ghẻ ruồi cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ tiến hành soi da dưới kính hiển vi để tìm ra cái ghẻ, trứng và các chất thải của ghẻ.

Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc để điều trị bệnh ghẻ ruồi là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất nhanh chóng. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người và mức độ bệnh trạng mà bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn điều trị phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

- Thuốc Benzyl Benzoat: là loại thuốc được sử dụng phổ biến. chỉ cần bôi thuốc lên vùng da bệnh và để yên khoảng 20 phút, sau đó chồng thêm một lớp nữa. Bôi thuốc đều đặn mỗi ngày bệnh sẽ nhanh chóng chuyển biến tốt.

- Thuốc D.E.P: sử dụng để bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương từ 2 – 3 lần/ngày. Nên sử dụng với liều lượng vừa đủ, không bôi lên diện rộng và tránh để thuốc tiếp xúc với niêm mạc.

- Các thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê thêm một số loại thuốc khác: thuốc giảm ngứa, thuốc kháng histamine, thuốc bôi tại chỗ chứa corticoid,…

Thuốc Tây y điều trị mặc dù mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng tiềm ẩn những tác dụng phụ. Vì thế cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra.

6. Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh ghẻ ruồi rất dễ lây lan và có nguy cơ tái phát cao sau điều trị. Vì vậy, song song với việc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, cần chú ý đến vấn đề chăm sóc và dự phòng. Người bệnh nên thực hiện:

  • Hàng ngày nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là khi ra ngoài về hoặc có tiếp xúc với nước mưa, nước bẩn.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân. Nên thường xuyên giặt giũ quần áo, giày dép và phơi ở nơi có nhiều nắng. Không đi giày hoặc tất đang ẩm ướt.
  • Không dùng tay cào gãi lên tổn thương da.
  • Chủ động cách ly với những người xung quanh để hạn chế lây nhiễm. Không ngủ chung giường, nắm tay, ôm hôn hay quan hệ tình dục hay dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh.
  • Vào mùa mưa nên hạn chế đi lại trong những khu vực bị ngập lụt.
Tóm lại, nếu phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh ghẻ ruồi tuyệt đối không nên chủ quan. Người dân nên chủ động đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách để sớm kiểm soát bệnh và giữ vệ sinh cá nhân, cách ly với những người xung quanh để phòng lây nhiễm
Cỏ nến chữa ghẻ ngứaCỏ nến chữa ghẻ ngứa

Dược liệu cỏ nến được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là bồ hoàng. Theo Đông y, bồ hoàng có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào, có tác dụng hoạt huyết, chữa hành kinh đau bụng, ghẻ ngứa...

BS Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn