1. Vì sao tuyến lệ bị tắc?
Hệ thống tuyến lệ ở mắt nhỏ nhưng phức tạp và có thể bị tắc nghẽn bất cứ lúc nào. Sự tắc nghẽn này khiến nước mắt không thể thoát ra ngoài, không thể bay hơi hoặc tái hấp thu.
Bệnh tắc tuyến lệ xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt của mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi đó nước mắt không thể dẫn lưu bình thường dẫn đến chảy nước mắt sống làm mắt dễ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng mạn tính.
Tắc tuyến lệ có thể do các nguyên nhân sau:
-Tắc nghẽn tuyến lệ bẩm sinh: thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Với trường hợp này, hệ thống thoát nước mắt của trẻ không phát triển đầy đủ hoặc có một ống bất thường. Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh khó phát hiện do bé thường ngủ nhiều. Khi trẻ được 2-3 tháng thì biểu hiện rõ ràng hơn.
-Tuổi tác: Người lớn tuổi thường dễ bị tắc tuyến lệ do các lỗ nhỏ dẫn lưu nước mắt có thể bị thu hẹp lại gây tình trạng tắc nghẽn.
-Bị nhiễm trùng hoặc viêm ở mắt: Khi mắt bị viêm có thể làm cho hệ thống dẫn lưu nước mắt hoặc mũi bị tắc như bệnh nhân viêm xoang rất hay bị tắc tuyến lệ.
-Do sự phát triển bất thường của hộp sọ và khuôn mặt: Hội chứng Down làm tăng khả năng tắc nghẽn của ống dẫn nước mắt.
-Bị các chấn thương gần mũi hoặc tại mũi: bị gãy mũi và mô sẹo có thể làm tắc ống dẫn nước mắt, nếu không xử lý kịp thời thì khả năng bị bệnh tắc tuyến lệ rất cao.
-Bị các khối u: U nang hoặc sỏi.
-Bị polyp mũi: là mẩu thịt thừa chèn ép hệ thống dẫn lưu nước mắt gây tắc tuyến lệ.
-Do tác dụng phụ của một số thuốc hóa trị và phương pháp xạ trị ung thư
2. Dấu hiệu nhận biết bị tắc tuyến lệ
-Khi bệnh nhân khóc thì không có nước mắt nhưng bình thường không khóc thì nước mắt lại tràn ra mi đồng thời có luồng trào một thứ chất nhầy được sản xuất trong túi lệ.
-Khi tiếp xúc với gió, không khí lạnh, tia nắng mặt trời… thì nước mắt càng tràn ra nhiều hơn.
-Mắt bệnh nhân thường xuyên bị chảy gỉ, thị lực mờ dần, mắt bị đỏ ở tròng trắng và thường bị sưng đau ở phần góc trong mắt.
-Các bệnh nhân khi mắc bệnh tắc tuyến lệ, vi khuẩn sẽ mắc kẹt ở trong túi lệ mũi, do vậy khả năng gây nên tình trạng nhiễm trùng cao: Trên lông mi thường bị đóng váng, mắt bị mờ và chảy mủ, nước mắt có thể bị nhuốm máu, có thể bị sốt.
3. Làm thế nào để chẩn đoán tắc tuyến lệ?
Để chẩn đoán bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thực hiện khám mắt và làm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm sử dụng để chẩn đoán bệnh tắc tuyến lệ:
-Kiểm tra hệ thống dẫn lưu nước mắt: xem tình trạng nước mắt được dẫn lưu.
-Thăm dò và bơm rửa: dùng một dung dịch muối bơm rửa vào hệ thống dẫn lưu nước mắt để kiểm tra xem tình trạng dẫn lưu của tuyến lệ.
-Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, chụp CT, MRI.
4. Điều trị tắc tuyến lệ
Từ các kết quả khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tắc tuyến lệ dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể áp dụng nhiều cách chữa khác nhau. Những phương pháp điều trị bao gồm:
-Sử dụng thuốc kháng sinh: trong trường hợp bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc viên.
-Mát-xa ống dẫn lưu nước mắt: Để mở ống dẫn lưu nước mắt cho trẻ, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cách mát-xa nhẹ nhàng giữa các ống dẫn lưu và mát-xa dọc lên phía trên mũi để giúp chúng được thông thoáng hơn. Đây cũng là một cách để điều trị tắc tuyến lệ ở người lớn.
-Nếu nguyên nhân gây tắc tuyến lệ là do chấn thương vùng mặt bác sĩ có thể sẽ khuyên bệnh nhân chờ thêm một thời gian để xem tình trạng có cải thiện hơn sau khi vết thương đã lành.
-Nong, thăm dò và rửa: với trẻ sơ sinh và nhỏ trẻ không thể tự mở tuyến lệ hoặc đối với người trưởng thành bị tắc tuyến lệ một phần, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật giãn nở, thăm dò và rửa.
-Giãn chỗ tắc nghẽn thông qua ống thông có bóng: được chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc bệnh tắc nghẽn tái phát. Đây là phương pháp hiệu quả đối với trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và người lớn bị tắc nghẽn tuyến lệ một phần.
-Đặt stent hoặc luồn ống thông: thường được thực hiện sau khi đã gây mê toàn thân.
-Phẫu thuật mở thông túi lệ xuống mũi: mở ra lối thoát cho nước mắt vào mũi.
5. Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh có thể kiểm soát nếu áp dụng các biện pháp sau:
Mát-xa nhẹ nhàng giúp tuyến lệ được thông thoáng
-Rửa tay kỹ và thường xuyên, cố gắng không dụi tay vào mắt
-Không hút thuốc vì khói thuốc cũng là một nguy cơ gây kích ứng đường mũi và làm cho bệnh tắc tuyến lệ nặng hơn.
-Không dụi hoặc chạm vào mắt quá mạnh tay.
-Không dùng chung các sản phẩm cho mắt như thuốc nhỏ mắt.
-Thường xuyên thay mỹ phẩm cho mắt 3-6 tháng một lần.
-Nếu đeo kính áp tròng: Luôn làm sạch kính áp tròng theo hướng dẫn của bác sĩ
-Nếu có những dấu hiệu bất thường ở mắt cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phát hiện và có phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Bắc Giang chủ động tăng cường phòng chống bệnh do virus Adeno dù chưa ghi nhận ca mắc