Nguyên nhân hình thành polyp túi mật
Polyp túi mật là u nhú mọc nhô ra trong niêm mạc thành túi mật. Có thể mọc đơn lẻ hoặc cùng lúc nhiều polyp trong túi mật. Đa số bệnh nhân mắc bệnh này là do quá trình chuyển hóa cholesterol bị khiếm khuyết hoặc dư thừa.
Polyp túi mật cũng hay gặp hơn ở những người mắc các bệnh: sỏi mật, viêm túi mật mạn tính, chức năng gan kém, béo phì, mỡ máu…
Polyp túi mật xảy ra do sự dư thừa hoặc khiếm khuyết chuyển hóa cholesterol.
Triệu chứng của bệnh polyp túi mật
Polyp túi mật rất ít khi thể hiện các triệu chứng một cách rầm rộ. Hầu hết các trường hợp chỉ có biểu hiện lâm sàng khi bệnh gây bài xuất dịch mật ở lòng túi mật, rối loạn bài tiết, viêm hoặc sỏi tủi mật. Lúc đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức nhẹ ở thượng vị hoặc hạ sườn phải; đau sau khi ăn; có cảm giác khó tiêu; đầy bụng; buồn nôn và nôn.
Nếu tình trạng phần tách rời của polyp chặn đường đi của mật vào ruột non trong thời gian dài thì người bệnh có thể bị viêm tụy hoặc viêm túi mật, người bệnh sẽ cảm thấy khó tiêu, đau ở trên rốn, sốt nhẹ, đi ngoài phân có màu trắng, da và mắt vàng…
Chẩn đoán polyp túi mật
Bác sĩ thăm khám bụng có thể thấy đau tức nhẹ khi ấn vùng hạ sườn phải và đa số không phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Các xét nghiệm có thể được chỉ định:
- Siêu âm ổ bụng: Để tầm soát các bệnh lý túi mật: Sỏi túi mật, polyp túi mật… và cho phép xác định được polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp (có cuống hay không có cuống), để có hướng xử trí thích hợp.
- Chụp đường mật cản quang qua đường uống: Có thể được chỉ định.
- Chụp đường mật ngược dòng qua nội soi: Thường được chỉ định khi siêu âm đường mật thất bại.
- Chụp cắt lớp vi tính: Trong các trường hợp polyp to và có nguy có ác tính.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Khi tổn thương polyp nghi ngờ ác tính.
- Đánh giá chức năng gan thận, test virus viêm gan (HCV, HbsAg,...), miễn dịch u (CEA, CA 19-9)
Điều trị polyp túi mật
92% polyp túi mật có bản chất lành tính do vậy người bệnh không cần điều trị cắt bỏ túi mật. Tùy thể trạng và tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định:
- Với polyp nhỏ dưới 1cm: chỉ cần theo dõi thường xuyên 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật.
- Polyp lớn hơn 1cm: có khả năng tiến triển thành ung thư (đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5cm) cắt bỏ túi mật có thể được chỉ định để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.
Nhìn chung polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm hầu hết lành tính. Những hình ảnh gợi ý tính chất ác tính: khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó bác sĩ phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.
Hiện nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật đơn giản ít xâm lấn, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh và ít biến chứng.
Siêu âm giúp phát hiện polyp túi mật.
Sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian đầu khi cơ thể chưa quen với sự thiếu hụt này. Lúc đó, dịch mật sẽ đi trực tiếp từ gan xuống ruột khiến hệ tiêu hóa của người bệnh bị ảnh hưởng làm người bệnh bị tiêu chảy, chướng bụng... Tình trạng có thể biến mất sau một vài tuần hoặc kéo dài nhiều năm tùy cơ địa người bệnh.
Phần lớn bệnh polyp túi mật không được phát hiện sớm thông qua biểu hiện lâm sàng và có nguy cơ ung thư tiềm ẩn. Chính vì thế, khi thấy các biểu hiện không bình thường, người bệnh nên tới các cơ sở chuyên khoa uy tín khám sức khỏe định kỳ. 95% đa polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có số ít nguy cơ diễn tiến thành ung thư vì thế người bệnh không nên chủ quan mà hãy phòng ngừa bằng cách: thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh, hạn chế lượng cholesterol nạp vào cơ thể… để giúp gan mật khỏe mạnh hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 Loại Thực Phẩm Bạn Nên Ăn Để Có Hàm Răng Khỏe Mạnh.