1.Đau xương cụt là gì?
Xương cụt hay xương cùng nằm ở cuối cột sống và được cấu tạo bởi 4 hoặc 6 đốt sống. Phần xương này sẽ dịch chuyển về phía trước và làm nhiệm vụ giảm xóc mang lại cho con người cảm giác thoải mái và ổn định khi ngồi.
Đau xương cụt xảy ra do xương cụt bị mất ổn định dẫn đến viêm các khớp lân cận, đặc biệt là khớp cùng chậu. Cơn đau ở xương cụt sẽ chuyển từ nhẹ đến dữ dội và thường tăng nặng khi ngồi xuống, đứng lên hoặc ngả người ra sau. Cơn đau xương cụt có thể lan xuống hông và chân khiến cho việc đi lại của bệnh nhân gặp khó khăn. Nhiều khi người bệnh có thể cảm thấy nhói đau ở xương cụt khi đi vệ sinh hay quan hệ tình dục.
Đau xương cụt nếu kéo dài hơn 3 tháng sẽ nguy cơ trở thành mãn tính khiến việc điều trị trở nên phức tạp. Hơn thế, xương cụt bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của toàn bộ xương sống và làm suy giảm chức năng hệ vận động.
2.Nguyên nhân gây đau xương cụt
Cơn đau xương cụt có thể xuất hiện do chính những tổn thương tại xương cụt, tuy nhiên cũng có thể là hậu quả của một vấn đề sinh lý hoặc bệnh lý nào khác trong cơ thể:
-Bẩm sinh xương cụt bị dị dạng hoặc lệch vị trí.
-Sự phát triển của các gai xương trên xương cụt.
-Do ảnh hưởng từ cơn đau thoát vị đĩa đệm, đau thắt lưng.
-Do chấn thương khiến xương cụt bị rạn nứt, gãy hoặc lệch khỏi vị trí.
-Căng thẳng kéo dài tạo áp lực lên xương cụt: ngồi xe máy, xe đạp hoặc ngồi trên mặt ghế cứng quá lâu.
-Hao mòn do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
-Do nhiễm trùng, ung thư hoặc khối u.
-Do cơ thể thừa cân béo phì.
-Do giảm cân đột ngột.
Riêng ở phụ nữ, xương cụt bị đau còn bởi những thay đổi trong quá trình mang thai và sinh đẻ, các bệnh phụ khoa… cũng là những nguy cơ khiến tỷ lệ đau xương cụt ở nữ cao hơn nam.
3.Triệu chứng của đau xương cụt
Đau xương cụt thông thường sẽ cải thiện trong vài tuần hoặc vài tháng nhưng đôi khi có thể kéo dài lâu hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Các dấu hiệu đau xương cụt:
-Xuất hiện những cơn đau nhức, thỉnh thoảng có đau nhói.
-Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi xuống, khi chuyển từ ngồi sang đứng hoặc đứng trong thời gian dài…
-Khó ngủ và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày: lái xe, cúi gập người.
-Một số trường hợp có thể kèm theo biểu hiện: đau lưng, đau chân, đau mông và hông.
4.Đau xương cụt có nguy hiểm không?
Tình trạng đau xương cụt có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ đau, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, giới tính và nguyên nhân gây ra bệnh.
-Nếu đau xương cụt do các chấn thương vật lý gây ra thì không nên quá lo lắng, người bệnh chỉ cần hạn chế vận động, nghỉ ngơi, sau một thời gian triệu chứng sẽ tự khỏi.
-Trường hợp đau xương cụt do một số bệnh lý: xương khớp, phụ khoa… gây ra tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể có những biến chứng: đau nhức kéo dài, hạn chế vận động, teo cơ, liệt chi dưới… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
5.Khi nào cần đi khám?
Nếu các triệu chứng bệnh không thuyên giảm sau khi sử dụng những biện pháp điều trị đơn giản tại nhà, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời trong trường hợp:
-Cơn đau không cải thiện, thậm chí còn nặng lên.
-Có thể bị chảy máu, nóng sốt
-Cơ thể người bệnh mệt mỏi, chán ăn, đau nhức, đặc biệt khi ngồi xuống, đứng lên và cúi người.
Nếu không chữa trị kịp thời, các cơn đau xương cụt kéo dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận động của người bệnh. Việc điều trị sớm sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm như đau xương cụt mãn tính, teo cơ, yếu liệt hai chân…
6.Điều trị đau xương cụt
Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kết hợp phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng: chụp Xquang, chụp MRI…
Phương pháp điều trị có thể giảm đau xương cụt:
Tự chăm sóc tại nhà
Đây là phương pháp được ưu tiên hàng đầu khi mới chớm xuất hiện các cơn đau. Để hạn chế cơn đau, có thể:
-Thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm
-Sử dụng đệm được thiết kế dành cho xương cụt, giúp giảm áp lực lên xương sống khi ngồi.
-Không nên ngồi lâu, cố gắng đứng dậy và đi lại thường xuyên.
-Mặc quần áo thoải mái.
-Có thể sử dụng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm cơn đau.
-Uống thuốc giảm đau không kê đơn.
Vật lý trị liệu
Nếu bệnh không thuyên giảm, có thể tham khảo phương pháp vật lý trị liệu được bác sĩ chỉ định: Nhiệt trị liệu; Điện trị liệu; Đèn chiếu hồng ngoại; Châm cứu; Bấm huyệt…. Ngoài ra các bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập có tác dụng tới khung xương chậu để giảm cảm giác đau.
Thuốc điều trị
-Các loại thuốc giảm đau có thể được bác sĩ chỉ định: Thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs): ibuprofen, paracetamol đối với trường hợp đau nhẹ đến trung bình.
-Nếu đau nặng hơn, bác sĩ có thể sử dụng giảm đau liều mạnh: tramadol. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra tác dụng phụ: táo bón, đau đầu, chóng mặt.
-Thuốc giãn cơ dùng trong trường hợp có hiện tượng cơ cứng các cơ quan xung quanh vùng chậu.
-Thuốc giảm đau thần kinh ở mức độ nhẹ đến trung bình: Neurotin, Codein…
Phẫu thuật
Phẫu thuật luôn là lựa chọn cuối cùng khi những phương pháp điều trị trên không có kết quả. Trường hợp cần phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định loại bỏ một phần hoặc toàn bộ xương cụt. Tuy nhiên cơn đau sẽ không bị loại bỏ ngay lập tức sau khi phẫu thuật mà sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để xương cụt ổn định khi đó cảm giác đau nhức, khó chịu mới hoàn toàn biến mất.
7.Phòng ngừa đau xương cụt
Đau xương cụt chủ yếu liên quan đến chấn thương nên để phòng tránh hoặc giảm thiểu đau xương cụt thì không để chấn thương xảy đến với phần xương này. Cần lưu ý:
-Không ngồi, đứng hoặc chạy xe quá lâu.
-Ngồi thẳng lưng, không cúi gập người về phía trước.
-Nếu cần ngồi nhiều nên trang bị nệm ghế hoặc dụng cụ đỡ lưng.
-Hạn chế mang vác vật nặng.
-Tích cực tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.
-Giảm rượu bia, bỏ thuốc lá.
-Tăng cường thực phẩm có lợi cho xương khớp trong các bữa ăn hàng ngày.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Các loại rau củ 'khắc tinh', ngăn ngừa ung thư