Những loại đất dễ bão hòa
Mưa kéo dài, đất bị bão hòa là những yếu tố đầu tiên gây sạt lở. Nếu sau mưa kéo dài, đất đã bão hòa, lại gặp trận mưa lớn thì nguy cơ xảy ra sạt lở là rất cao bởi lúc này đất như một bối bùn lỏng. Sạt lở khi đó giống như một trận lũ quét, kéo theo đất đá, cây cối, cuốn đi tất cả trên đường của nó, tạo ra thảm họa. Thiên tai dồn dập năm 2020 gây sạt lở nghiêm trọng, lấy đi tính mạng của hàng chục người xảy ra trong bối cảnh thời tiết như vậy.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố góp phần gây ra trượt lở. Sườn dốc gồm có đất đá, thảm thực vật, cây cối. Ssườn dốc bị bão hòa nước thì các kháng lực thông thường giảm đi rất nhiều. Sạt lở thường xảy ra khi sườn dốc bị sũng nước, thông thường sau các trận mưa lớn, kéo dài dầm dề.
Đất đồi núi nói chung thường mang lẫn đá, sét. Đây là loại đất dễ bị bão hòa do có các khe mạch rỗng bên trong. Đặc biệt là những nơi không còn cây cổ thụ, thảm rừng nghèo. Đây là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Người dân sinh sống ở các chân đồi, núi, xây dựng các công trình tựa vào sườn đồi… có nguy cơ cao nhất bị sạt lở đất do kết cấu kháng lực của đồi đã bị phá vỡ phía chân. Khi mưa kéo dài, tốt nhất là nên di tản để tránh thiệt hại.
PGS.TS Nguyễn Bá Kế, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước cho biết, trượt dòng là những chuyển dịch nhanh của khối đất đá dọc theo bờ dốc do đất đá bị bão hoà nước. Trượt dòng có tốc độ dịch chuyển khoảng vài m trong một phút và thường xảy ra trong mùa mưa, nhất là khi có những trận mưa kéo dài với lượng mưa lớn. Tuỳ theo thành phần vật chất của đất đá trên bờ dốc mà trượt dòng tạo thành những dòng bùn đất (khi đất gồm các hạt sét hay bụi) hay những dòng bùn đá (khi trong đất chủ yếu là các cục đá nhá) mà đôi khi còn gọi là các dòng bùn chảy, đá trôi.
Các tỉnh miền Trung, Quảng Ngãi và Quảng Nam là những nơi có nhiều điểm trượt lở nhất, sau đó là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định.
Lũ quét là một loại lũ đặc biệt lớn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn. Đặc điểm chính của lũ quét là chứa lượng vật rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá. Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ.
Địa hình của miền Trung dễ xảy ra sạt lở đất
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, khi xảy ra mưa lớn, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạp… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.
Do đặc điểm địa lý, miền Trung là "rốn lũ" của nước ta. Cụ thể, miền Trung nước ta là nơi "giao tranh" của các hình thế thời tiết cực đoan (mưa lớn) trong các tháng 8,9,10,11 như không khí lạnh tương tác với địa hình, bão độ bộ/ảnh hưởng. Dải hội tụ nhiệt đới tương tác với địa hình và nguy cơ tăng lên gấp bội khi có sự kết hợp của nhiều hình thế cùng một lúc như không khí lạnh, bão-áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, vùng áp thấp cùng tương tác với địa hình. Do miền Trung nước ta có địa hình hẹp và độ dốc cao, được phân chia bởi dãy Trường Sơn nên đặc điểm của sông ngòi ở đây rất dốc và ngắn, khi mưa lớn xảy ra thì khả năng sinh lũ lụt, lũ ống và lũ quét rất rất nhanh, vì thế nên thường gây thiệt hại vô thảm khốc về người và tài sản.
Sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác với các đợt mưa lớn dài ngày.
Theo bản tin cảnh báo lũ quét của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát hành, độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tính đến thời điểm 13 giờ ngày 29/9/2022. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%).
Diễn biến và dự báo mưa: Trong 06 giờ qua (từ 7h/29/9 - 13h/29/9), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Thanh Mai 156,0mm, Chợ Tràng 117,4mm (Nghệ An); Yên Định 71,4mm (Thanh Hóa), Đức Bồng 65mm (Hà Tĩnh)…
Dự báo trong 06 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-60mm, có nơi trên 100mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Cảnh báo nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 29/9: Thực hư vụ việc đình chỉ điều tra bà Lê Thu Vân vụ “Tịnh Thất Bồng Lai” | SKĐS