Tôi 52 tuổi, sức khỏe bình thường. Gần đây thấy chân tay hay nhức mỏi, nhất là về đêm. Nhiều người nói tôi bị loãng xương. Xin quí báo tư vấn.
Hoàng Liên (Bắc Ninh)
Ngày nay bệnh loãng xương đang có xu hướng gia tăng ở khắp toàn cầu, trong số đó phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Khi bị bệnh loãng xương không được phát hiện hoặc điều trị không đúng, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương.
Loãng xương là một bệnh mạn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, một cách âm thầm, không gây đau đớn gì cho nên người bệnh thường không để ý đến. Hầu hết các trường hợp trong các giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc biệt ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau sự thiếu hụt chất canxi càng ngày càng gia tăng làm cho xương xuống cấp nghiêm trọng (loãng, xốp xương), các triệu chứng đau nhức xương sẽ rõ rệt hơn. Đó là đau lưng, đau các khớp chân, tay và mỏi bại hông, đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay. Với các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng sẽ dễ dàng gãy khi bị ngã, vấp, chấn thương, tai nạn.
Đau nhức xương và các khớp xương thường rõ nhất vào ban đêm. Ngoài đau nhức xương, mệt mỏi, một số triệu chứng khác như chuột rút cũng thường hay xuất hiện ở những người loãng xương. Nếu chị thấy có các triệu chứng trên thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị sớm.
BS. Hoàng Lan