Hà Nội

Nhận biết khi con bị viêm não, viêm màng não

09-09-2020 15:23 | Đời sống
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây khuyến cáo đã xuất hiện các ca viêm màng não do não mô cầu ở trẻ. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý phòng bệnh hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các triệu chứng của bệnh. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tháng 7 và tháng 8/2019, số lượng bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não có 4 trường hợp.

Trường hợp điển hình như bệnh nhi V. Đ. X., 11 tuổi địa chỉ tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh nhập viện cấp cứu Nhi trong tình trạng sốt, đau đầu. Theo mẹ trẻ cho biết: Trước 2 ngày vào viện trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, nôn có biểu hiện giống sốt virus tuy nhiên qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm dịch não tủy, trẻ được chẩn đoán là viêm màng não do virus. Sau 9 ngày điều trị trẻ đã bình phục và trở về với gia đình.

Theo BS CKI. Đào Thị Loan, BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí: Viêm não, viêm màng não là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô não và màng não. Là bệnh cấp cứu nguy hiểm có thể gặp ở mọi lứa tuổi do nhiều tác nhân gây nên như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, nấm, lao… Nguyên nhân thường gặp ở trẻ em là do virus như virus gây viêm não Nhật Bản, Virus Herpes, EV71, sởi, cúm.

Triệu chứng thường gặp là: Sốt, đau đầu, nôn, quấy khóc, li bì. Trường hợp nặng có thể gây co giật, hôn mê, bệnh diễn biến nhanh do đó cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển tinh thần, vận động, bại não, động kinh cho trẻ.

Cũng theo các bác sĩ, bệnh  màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu có nhiều type và thường hay gặp nhất là type A, B và C. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Điều trị cho bệnh nhân tại BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí

Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C (có khi đến 40 - 41 độ C), có thể có kèm rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật. Trong các trường hợp nặng, trẻ sẽ li bì, bỏ ăn, bỏ chơi hoặc co giật và cuối cùng là hôn mê.

Các biểu hiện bệnh ban đầu rất giống với biểu hiện của bệnh cúm mùa, đặc biệt hai bệnh này đều thường gặp vào mùa đông. Bởi vậy, rất nhiều gia đình chủ quan và cho rằng con bị cúm nên không cho đi khám kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện như trên kèm theo đang có dịch do não mô cầu tại khu vực đang sinh sống, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.

Ngoài ra, trên da trẻ sẽ xuất hiện các ban hình sao trong vòng 1 - 2 ngày sau sốt. Tử ban (ban bị hoại tử và lan truyền rất nhanh) màu đỏ thẫm hoặc xanh tím, đường kính 1 - 5 mm, có thể gộp lại thành đám, đôi khi có vùng da hoại tử, bề mặt bằng phẳng, không gồ lên mặt da. Tử ban xuất hiện sớm và lan nhanh rộng khắp người nhưng thường tập trung nhiều ở vùng thân mình và 2 chi dưới. Lúc này, tình trạng của trẻ có thể đã rơi vào nhiễm trùng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng nặng, suy đa tạng

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Ngân Hà
Ý kiến của bạn