Hàng giả dưới chiêu trò "giảm giá sâu"
Tối 19/12, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết cơ quan chức năng vừa thực hiện kiểm tra các sản phẩm là loa bluetooth mang thương hiệu nổi tiếng Marshall rao bán trên một số nền tảng thương mại điện tử với ưu đãi "kịch sàn". Cụ thể, trong hai ngày 18-19/12, Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP Hà Nội đã phối hợp với cơ quan công an bất ngờ kiểm tra một kho chứa hàng nằm khuất sâu trong ngõ 218 đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ).
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bên trong kho có rất nhiều thùng carton và các bao tải dứa màu xanh cỡ lớn có chứa trữ hàng hóa. Kiểm tra thực tế, cơ quan quản lý thị trường phát hiện rất nhiều mặt hàng gồm tai nghe không dây và loa bluetooth của thương hiệu nổi tiếng Marshall cùng lượng lớn thẻ bảo hành chính hãng.
Đây là những chiếc loa công nghệ bluetooth đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, với mức giảm giá đến 70% so với hàng chính hãng ở nước ngoài. Những chiếc loa giả mạo này sau khi được dán nhãn sẽ được rao bán giảm giá "khủng" trên các trang mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Hà (khu Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, facebook của anh liên tục xuất hiện các hình ảnh quảng cáo siêu khuyến mại loa của hãng Marshall. Đây là hãng anh rất yêu thích, không ngờ có lúc hãng lại giảm giá sâu như vậy. Liên hệ với người bán đặt mua, anh nhận ra ngay là chiêu trò lừa đảo khi người bán không hề có kiến thức gì về sản phẩm, giới thiệu rất chung chung, không có bảo hành....
"Là khách hàng lâu năm của hãng này nên tôi nhận ra ngay. Cho đến khi quản lý thị trường đã bắt và xử lý nhóm đối tượng quảng cáo hàng giả này rồi mà trên facebook vẫn hiện quảng cáo ầm ầm", anh Hà chia sẻ.
Đại diện Ash Asia Việt Nam cho biết, thiết bị âm thanh của Marshall hiện được phân phối tại khu vực Đông Nam Á, chính hãng duy nhất thông qua Ash Asia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những sản phẩm loa và tai nghe Marshall giả mạo được quảng cáo tràn lan trên thị trường với những thông tin sai lệch được truyền thông mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội.
Theo công ty nghiên cứu thị trường, hơn 90% sản phẩm loa và tai nghe Marshall được rao bán trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả. Những sản phẩm Marshall giả mạo tuy có mẫu mã tương tự hàng chính hãng nhưng không đạt tiêu chuẩn về chất lượng âm thanh và độ an toàn sản phẩm.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Ash Asia cho biết trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… xuất hiện rất nhiều các cửa hàng bán sản phẩm âm thanh của Marshall không chính hãng và đa phần là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Mặc dù hằng tháng phía nhà phân phối đã làm việc với các sàn này để gỡ bỏ rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm vi phạm, tuy nhiên, không thể xử lý một cách triệt để, khi gỡ được cửa hàng này thì cửa hàng khác lại mọc lên.
Không chỉ riêng Marshall hay Baseus, trong thời gian qua, trên Facebook liên tục xuất hiện các chiến dịch bán sản phẩm công nghệ liên quan đến âm thanh như tai nghe, loa hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… được tổ chức rất chuyên nghiệp. Các chiến dịch này chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook với nội dung giảm giá 50-70%, các sản phẩm từ vài triệu đồng chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Hàng được giới thiệu trên các website tên miền quốc tế với tên thương hiệu của hãng kèm chữ "store" để khách đăng ký mua sản phẩm, chờ mở bán chính thức…
Những dấu hiệu nhận biết hàng dởm
TS Nguyễn Văn Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng nhận biết đồ điện tử dởm không khó chút nào. Hàng chính hãng luôn chỉ bán ở các cửa hàng chính hãng, có bảo hành đầy đủ, tem mác cẩn thận, các chi tiết đều được làm cầu kỳ và điều quan trọng nhất là giá thành đúng với giá đã công bố, không có giá rẻ hay siêu rẻ.
Người dùng muốn biết sản phẩm có đúng chính hãng không, hãy kiểm tra bao bì. Các nhà sản xuất hàng giả thường lơ là khâu thiết kế bao bì. Những nhà bán lẻ chính hãng luôn luôn quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất của khâu thiết kế và đóng gói hàng hóa. Các nhà sản xuất luôn đóng gói hàng hóa cẩn thận để không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Thậm chí là cả đường viền nối của góc phần bao bì cũng được làm rất chỉn chu.
Tiếp đó là đọc thông tin hướng dẫn sử dụng. Quyển hướng dẫn sử dụng là hộ chiếu của mọi thiết bị điện tử. Tất cả các thông tin quan trọng của thiết bị đều được trình bày với ngôn ngữ tại quốc gia nơi mua thiết bị. Nếu nó được viết bằng một ngôn ngữ khác mà bạn không đọc được, nó có thể là hàng lậu hoặc thương hiệu nhái. Ngoài ra, những thương hiệu nổi tiếng không tiết kiệm tiền vật liệu. Vật liệu phủ bên ngoài phải trơn, không có đường nối hoặc những chỗ không hoàn thiện. Nhìn kỹ vào hàng giả bạn sẽ nhận thấy phần phủ bên ngoài làm từ vật liệu rẻ tiền, bề mặt bất thường, màu sắc mờ.
Logo là bộ mặt của mọi thương hiệu, vì thế nó được các công ty đặc biệt quan tâm chú ý. Dù qua nhiều năm sử dụng, phần logo vẫn phải dễ nhận ra. Tất cả font chữ và biểu tượng phải trơn mượt, dễ đọc và bền. Thường hàng giả sẽ để tên thương hiệu hơi chệch đi một chút. Phần sạc phải phù hợp với điều kiện sử dụng tại quốc gia bạn mua hàng. Nếu bạn sống ở châu Âu, sạc phải có loại chân cắm riêng để phù hợp với ổ cắm ở đây. Nếu bạn được yêu cầu mua sạc hoặc adapter rời, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Các thương hiệu luôn là người chịu trách nhiệm về độ an toàn của người dùng thế nên hàng thật luôn có phần đầu kim loại hết sức gọn gàng và phần cách điện cũng như phần phủ bề mặt có chất lượng tốt.
Ngoài ra, chuyên gia lưu ý, chất lượng dây nối là dấu hiệu rõ ràng của một sản phẩm giả. Trong một sản phẩm thật, phần cáp cắm phải vừa khít và đều, trong khi với cáp giả bạn sẽ nhìn thấy những góc lệch hoặc phần thừa ra. Đôi khi độ dài của đầu cắm cũng không khớp với độ sâu của ổ. Ngoài ra, hãy để ý đến chất lượng của phần cách điện và các biểu tượng trên đó. Dây thật phải mềm dẻo và có màu sắc đều nhau, phần in trên dây không dễ bị tẩy xóa.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, dấu hiệu nhận biết các hoạt động thương mại điện tử rao bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là sản phẩm có giá rẻ bất thường, thiếu thông tin sản phẩm, giới hạn cố lượng mua hàng. Sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên hoặc không có đáng tin cậy. Đây có thể là một chiêu trò để tạo lòng tin và thuyết phục người mua.
Kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Nếu tài khoản không đáng tin, với ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy người bán không đáng tin cậy. Người bán không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng, như địa chỉ, số điện thoại hoặc email thì chắc chắn là sản phẩm giả mạo. Điều này khiến việc theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan trở nên khó khăn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống nước cam hàng ngày có tác dụng gì? | SKĐS