Nhận biết, điều trị đứt dây chằng và các tổn thương hay gặp ở tay

23-04-2022 15:08 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trên cơ thể, bàn tay là bộ phận chứa nhiều khớp và thần kinh. Các tổn thương hay gặp ở tay tuy không nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong vận động.

1. Các tổn thương hay gặp ở tay

Các tổn thương hay gặp ở tay bao gồm: bong gân, đứt dây chằng ở ngón tay cái, chấn thương khớp cổ tay… gây ra các triệu chứng sưng, đau, tê bì… Các tổn thương gân và dây chằng ở tay gây khó khăn trong vận động.

Đứt gân ngón tay

Gân là mô liên kết nối đầu tận của cơ với xương. Đứt gân ngón tay có thể gây tổn thương các dây thần kinh. Đứt gân ngón tay thường có những dấu hiệu như:

- Ngón tay bị cắt lìa hoàn toàn hay gần hoàn toàn là dấu hiệu thường gặp nhất

- Xương ngón tay bị nứt hoặc gãy đi kèm với tổn thương gân, dây chằng và các mô mềm.

- Trật khớp ngón tay khiến khớp bị di lệch kéo giãn dây chằng xung quanh, thậm chí gây đứt gân.

- Bị lực tác động mạnh vào ngón tay làm tổn thương màng gân hoặc đứt sợi gân ngón tay.

Đứt gân ngón tay có thể đi kèm với tổn thương thần kinh, gây tê tại vùng mà thần kinh đó chi phối, làm giảm cảm giác ở ngón tay.

Bong gân ngón tay

Dây chằng là những dải mô liên kết cứng và kém đàn hồi. Tình trạng tổn thương dây chằng ở ngón tay cái (bong gân ngón tay) là dây chằng bị kéo căng quá mức, bị rách hoặc đứt dây chằng ngón tay cái. Bong gân là ngón tay bị bẻ cong theo hướng bất thường, xảy ra khi ngã, bàn tay ở tư thế dạng hoặc do lực tác động mạnh làm khớp mất ổn định và dẫn đến chấn thương bàn tay.

Ngoài ra, khi khởi động bàn tay không đúng cách sẽ làm các cơ co chặt, làm giảm giới hạn vận động của khớp, khiến các cơ bị bó chặt hơn nữa và dễ bị rách hay đứt dây chằng.

Bong gân ngón tay có thể gây sưng, đau ngón tay, hạn chế vận động.

Nhận biết và điều trị đứt dây chằng và các tổn thương hay gặp ở tay - Ảnh 1.

Bong gân ngón tay có thể gây sưng, đau ngón tay,

Chấn thương khớp cổ tay

Chấn thương khớp cổ tay bao gồm: Tổn thương gân gấp và gân duỗi cổ tay, giãn dây chằng cổ tay.

- Tổn thương gân duỗi cổ tay là khi các gân ở mặt mu bàn tay bị đứt hoặc xoắn vặn. Nếu đứt gân gấp ở vị trí gần đầu ngón tay sẽ làm cho ngón tay ở tư thế gấp, không thể duỗi thẳng được, sưng và đau ở vùng đầu ngón tay.

- Tổn thương gân gấp cổ tay là khi gân ở lòng bàn tay bị vặn xoắn hoặc đứt. Nếu gân gấp ở gần đầu ngón tay bị đứt rách sẽ làm đầu ngón tay không thể uốn cong mà sẽ luôn giữ ở vị trí thẳng gọi là "ngón tay thùa khuyết".

Một kiểu tổn thương gân duỗi ngón tay khác là "ngón tay thợ thùa khuyết", xảy ra khi gân duỗi ở khớp gần với đầu ngón tay bị rách và trượt ra khỏi vị trí ban đầu làm cho khớp ngón tay đốt xa luôn ở tư thế duỗi thẳng, trong khi khớp ngón tay đốt gần thì ở tư thế gấp.

- Giãn dây chằng cổ tay là chấn thương khớp cổ tay rất hay gặp do các dây chằng quanh cổ tay bị căng giãn quá mức dẫn gây tổn thương sâu. Chấn thương này nhiều khi gây rách hoặc đứt dây chằng cổ tay.

Nguyên nhân gây giãn dây chằng cổ tay thường do té ngã, vận động cổ tay quá mức hoặc chơi các môn thể thao tiếp xúc… 

Triệu chứng bao gồm đau nhức đột ngột và đau nhiều ở cổ tay kèm theo sưng tấy, bầm tím… Trường hợp nặng cổ tay cảm giác sẽ lỏng lẻo và không hoặc khó cử động được. Những triệu chứng này có thể giảm sau vài ngày được chăm sóc đúng cách và nghỉ ngơi hợp lý.

Hội chứng De Quervain

Ảnh hưởng lên phần gân mặt ngoài của ngón tay cái, làm đau cổ tay khi xoay hay cầm nắm vật gì đó. Cử động lặp đi lặp lại có thể gây đau cổ tay nhiều hơn.

Ngón tay cò súng (hội chứng lò xo)

Là tình trạng ngón tay không thể duỗi thẳng như bình thường được và như bị khóa ở tư thế gấp. Nguyên nhân là do tổn thương phần gân ở bàn tay nên không điều khiển được ngón tay khiến ngón tay bị cong lại. Bệnh nhân bị ngón tay cò súng sẽ bị đau ở ngón tay hoặc gan tay, không vận động được ngón tay do tay bị mắc kẹt ở một tư thế.

Hội chứng ống cổ tay

Là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay, làm tay bị tê bì, dị cảm, đau ngón tay và sưng phù.

2. Điều trị và đề phòng các tổn thương hay gặp ở tay

Việc điều trị các tổn thương ở tay sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của ngón tay. Điều trị đứt gân và các chấn thương ở bàn tay là giảm đau, nẹp cố định hay bó bột… Nếu thương tổn quá nặng như hoại tử, có thể cần phải đoạn chi.

Nhận biết và điều trị đứt dây chằng và các tổn thương hay gặp ở tay - Ảnh 3.

Có thể chườm đá để giảm sưng cổ tay.

- Giảm đau: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống thuốc giảm đau mạnh. Nếu tổn thương nhẹ cần kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen, naproxen và ibuprofen…

- Để bàn tay nghỉ ngơi, hạn chế hoặc ngừng cử động ngón tay, bàn tay. Nếu có thể nên giữ bàn tay ở tư thế cao hơn tim.

- Có thể chườm đá để giảm sưng phù trong vòng ít nhất 6 giờ sau tổn thương: Dùng một miếng khăn mỏng để chườm đá 2-3 giờ/ 1 lần, mỗi lần khoảng 15 phút.

- Dùng băng thun để hạn chế ma sát do va chạm. Băng cố định ngón tay tổn thương khi có tình trạng đứt dây chằng. Tuy nhiên, băng cố định không dùng để điều trị ngón tay cò súng và các tổn thương gân.

- Nẹp ngón tay được áp dụng để điều trị ngón tay cò súng và các tổn thương gân. Đối với "ngón tay hình cái vồ", cần phải đeo nẹp suốt ngày.

- Phẫu thuật được chỉ định ở bệnh nhân bị chấn thương gân và dây chằng nặng, giảm hoặc mất khả năng cử động của ngón tay, bàn tay.

- Cần áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi tổn thương bàn tay giúp tăng cường sức mạnh cho ngón tay, bàn tay và vận động dễ dàng.

Ngoài ra, với những tổn thương xương khớp để phục hồi nhanh cần chú ý đảm bảo bổ sung đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Người trưởng thành có nhu cầu canxi là 1.000mg/ngày. Phụ nữ 50 tuổi trở lên cần từ 1.200mg/ngày để tránh tình trạng loãng xương. Bổ sung canxi từ thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày hoặc kết hợp uống vitamin tổng hợp. Tuy nhiên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Nếu người bệnh bị đau ngón tay tăng lên nhiều và dữ dội, kèm sưng phù nề; tê bì dị cảm ngón tay, màu sắc nhợt nhạt, tím tái; ngón tay cử động không theo chủ ý thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Tổn thương ngón tay có thể mất vài tuần tới vài tháng mới hồi phục. Tình trạng các đầu ngón tay bị mất cảm giác khá phổ biến và có thể kéo dài nhiều tháng. Đối với trẻ em tổn thương sẽ phục hồi nhanh hơn. Người lớn và người cao tuổi có thể cần điều trị lâu hơn. Tổn thương có thể để lại di chứng biến dạng và cứng khớp ngón tay sau quá trình điều trị.
10 bài tập hiệu quả giúp giảm đau cổ tay10 bài tập hiệu quả giúp giảm đau cổ tay

SKĐS - Nhiều người than phiền về cảm giác khó chịu ở cổ tay, thậm chí là phải chịu đựng những cơn đau. Nguyên nhân có thể do làm việc quá lâu với máy tính hoặc do nâng vật quá nặng.

Mời các bạn xem video được nhiều người quan tâm:

Hà Nội: Chưa ghi nhận trường hợp trẻ 5-11 tuổi phản ứng sau tiêm | SKĐS



BS. Ngọc Lan
Ý kiến của bạn