1. Đau nửa đầu là gì?
Đau nửa đầu xuất phát từ tiếng Hy Lạp là hemicrania, có nghĩa là "cơn đau ở một bên đầu". Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp đau nửa đầu ở vị trí thứ 19 trong số các bệnh gây tàn tật trên toàn thế giới.
Đau nửa đầu là một chứng rối loạn phức tạp có ảnh hưởng di truyền, đặc trưng bởi các cơn đau đầu từ vừa đến nặng, thường là một bên và đi kèm với buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Đau nửa đầu có thể nghiêm trọng đến mức gây ra cơn đau và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng.
Đau nửa đầu có thể xảy ra thường xuyên hoặc vài lần mỗi tháng với tần suất khác nhau ở mỗi người.
Phụ nữ có nguy cơ bị đau nửa đầu cao gấp 3 lần nam giới. Xu hướng mắc chứng đau nửa đầu thường là do di truyền.
2. Nguyên nhân gây đau nửa đầu
Cơ chế chính xác gây chứng đau nửa đầu vẫn chưa được tìm hiểu rõ, nhưng lý thuyết hiện nay cho rằng đó là một chứng rối loạn các dây thần kinh và mạch máu trong não.
Các cơn đau nửa đầu có thể được kích hoạt bởi các yếu tố như chế độ ăn uống, nội tiết tố, cảm xúc, thể chất và môi trường, bao gồm:
- Một số kích thích về giác quan, như tiếng ồn lớn, đèn sáng, mùi hoặc nước hoa nồng nặc, hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động;
- Tập thể dục cường độ cao đột ngột hoặc gắng sức khác, bao gồm cả hoạt động tình dục;
- Căng thẳng và lo lắng;
- Những thay đổi về giấc ngủ, như ngủ quá nhiều hoặc không đủ giấc;
- Uống rượu;
- Một số loại thực phẩm, bao gồm sô cô la, pho mát, thức ăn mặn, thực phẩm lên men và thịt có chứa nitrat (ví dụ: thịt xông khói, xúc xích); Phụ gia thực phẩm như bột ngọt và chất làm ngọt nhân tạo;
- Bỏ bữa hoặc nhịn ăn;
- Thay đổi nồng độ hormon trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi sử dụng thuốc tránh thai và/hoặc liệu pháp thay thế hormon;
- Các biến đổi môi trường, như thay đổi thời tiết hoặc áp suất khí quyển...
3. Các dấu hiệu và triệu chứng đau nửa đầu
Triệu chứng chính của chứng đau nửa đầu thường là đau đầu trở nên tồi tệ hơn khi cử động và làm mất khả năng vận động, tức là ngăn cản một người thực hiện các hoạt động bình thường.
Nên đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây do có thể cho thấy một vấn đề y tế nghiêm trọng hơn như phình mạch não, đột quỵ hoặc viêm màng não:
- Đau đầu dữ dội và đột ngột gây đau dữ dội;
- Nhức đầu với sốt trên 38 độ, cứng cổ, rối loạn tâm thần, co giật, nhìn đôi, yếu, tê hoặc khó nói;
- Đau đầu sau chấn thương đầu, đặc biệt nếu cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn;
- Đau đầu mạn tính trở nên tồi tệ hơn sau khi ho, gắng sức, căng thẳng hoặc cử động đột ngột;
- Trên 50 tuổi và lần đầu tiên bị đau đầu dữ dội.
4. Thuốc gì điều trị đau nửa đầu?
Lựa chọn điều trị dựa trên các tình huống khởi phát cấp tính hoặc mạn tính.
4.1 Điều trị cấp tính
Điều trị cấp tính nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển của cơn đau đầu, bao gồm các lựa chọn phân tầng:
- NSAID (thuốc chống viêm không steroid): Ibuprofen, naproxen, diclofenac, aspirin hoặc acetaminophen. Thông thường trong các cơn nhẹ đến trung bình mà không có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
- Triptan: Sumatriptan, eletriptan, rizatriptan, almotriptan. Có hoặc không có naproxen đối với các cơn đau từ trung bình đến nặng. Triptan nên được giới hạn dưới 10 ngày sử dụng trong vòng một tháng để tránh lạm dụng thuốc.
Khuyến cáo không sử dụng thuốc ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đau thắt ngực, mang thai. Ở những bệnh nhân này, với các nguy cơ tim mạch, thuốc thích hợp nhất là thuốc chủ vận thụ thể serotonin 1F chọn lọc không gây co mạch lasmiditan.
Khuyến cáo theo dõi điều trị nếu bệnh nhân dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin-noradrenaline vì nguy cơ mắc hội chứng serotonin.
- Thuốc chống nôn: Metoclopramide, chlorpromazine, prochlorperazine được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ với NSAID hoặc triptan để giảm buồn nôn và nôn, đặc biệt là trong cấp cứu.
- Dexamethasone có thể làm giảm sự tái phát của những cơn đau đầu ở giai đoạn đầu, nhưng không giúp giảm đau đầu ngay lập tức.
4.2 Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng nhằm mục đích giảm tần suất và cải thiện khả năng đáp ứng với mức độ nghiêm trọng và thời gian của cơn đau cấp, đồng thời giảm thiểu tàn tật.
Các thuốc điều trị dự phòng, bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: Metoprolol và propranolol.
- Thuốc chống trầm cảm: Amitriptyline và venlafaxine.
- Thuốc chống co giật: Axit valproate và topiramate.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Verapamil và flunarizine.
- Thuốc đối kháng peptit liên quan đến gen calcitonin: Eerenumab, fremanezumab và galcanezumab.
Các thuốc này cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng sẽ rất nguy hiểm. Một đợt điều trị thuốc dự phòng thường kéo dài từ 3-6 tháng. Khi sử dụng các thuốc này người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như hạ huyết áp, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, ác mộng, ít ngủ... Nếu có bất cứ dấu hiệu nào khác thường khi dùng thuốc người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn cách sử dụng thuốc tiếp theo.
5. Điều trị không dùng thuốc
Để hạn chế cơn đau, cần thực hiện:
- Thay đổi lối sống;
- Tập thể dục thường xuyên, yoga;
- Kiểm soát các yếu tố kích hoạt cơn đau đầu.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
9 “Siêu thực phẩm” giúp bạn đẩy lùi lão hóa nếu ăn thường xuyên.