Nhận biết đau khớp vai do tổn thương sụn viền

29-09-2017 15:12 | Đời sống

SKĐS - Tổn thương sụn viền và gân nhị đầu dài hay còn gọi là tổn thương SLAP (superior labrum anterior to posterior) rất hay gặp ở những người chơi thể thao.

Tổn thương sụn viền và gân nhị đầu dài hay còn gọi là tổn thương SLAP (superior labrum anterior to posterior) rất hay gặp ở những người chơi thể thao. Là một trong những nguyên nhân dễ bỏ sót khi thăm khám và chẩn đoán, kể cả khi có phim chụp cộng hưởng từ. Tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu mà còn gây phiền toái vì đau trong các động tác sinh hoạt hàng ngày.

Sụn viền khớp vai là một cấu trúc giải phẫu, bao quanh ổ chảo xương vai, là phần tiếp khớp với xương cánh tay và có vai trò làm sâu thêm ổ chảo để tăng khả năng chống trật khớp cho khớp vai. Gân nhị đầu dài xương cánh tay là 1 trong 2 đầu gân của cơ nhị đầu cánh tay. Cơ này có tham gia vào động tác gấp và sấp khuỷu tay.

Đau có thể lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay có thể là do tổn thương sụn viền và gân nhị đầu dài.

Đau có thể lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay có thể là do tổn thương sụn viền và gân nhị đầu dài.

Cơ chế chấn thương thường gặp là khớp vai xoay trong khi khuỷu tay duỗi đột ngột, thường gặp trong động tác ném bóng, vật nặng hoặc động tác phát bóng trong tennis. Chấn thương có thể nặng ngay lập tức hoặc tăng dần do bị tác động lặp đi lặp lại.

Dễ nhầm lẫn với bệnh gì?

Triệu chứng chính của tổn thương này là đau, tùy mức độ tổn thương có thể đau khi vận động vai ở một số động tác hoặc đau ê ẩm thường xuyên nếu kèm theo tình trạng viêm của gân. Đau có thể lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay. Đôi khi đau cảm giác mơ hồ, không rõ ràng. Bên cạnh đau là tình trạng giảm vận động do đau, bệnh nhân có thể không thực hiện được động tác do đau hoặc khi cố thực hiện sẽ bị mất lực để thực hiện động tác.

Đối với những người chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao thường phải sử dụng tay qua đầu như tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ, tình trạng đau vai có thể sẽ gặp trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu. Đau trong những trường hợp này thường dai dẳng, tăng lên khi thực hiện các động tác đưa tay qua đầu và làm giảm khả năng vận động của tay bị chấn thương.

Đôi khi triệu chứng đau giống với đau do các nguyên nhân khác của bệnh lý nội khoa như viêm gân cơ, viêm quanh khớp vai... nên cần phải thăm khám kỹ mới có thể phân biệt được.

Chẩn đoán như thế nào?

Tổn thương SLAP là tổn thương khó, vị trí nằm sâu trong khớp nên chẩn đoán dựa vào việc thăm khám kỹ bằng những nghiệm pháp thăm khám lâm sàng chuyên khoa kết hợp với phim cộng hưởng từ khớp vai, tốt nhất là máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla trở lên và tốt hơn nếu có thể là tiêm thuốc cản quang nội khớp.

Khả năng phục hồi?

Việc điều trị tùy theo mức độ tổn thương trong đó, ở những mức độ nặng thì phẫu thuật là phương án cần cân nhắc nhằm mục tiêu đầu tiên là cải thiện triệu chứng đau và sau đó là mức độ vận động. Trong đó, triệu chứng đau có thể được cải thiện tương đối tốt còn mức độ vận động thì có cải thiện nhưng không thể đạt mức 100% như trước khi chấn thương. Với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, khả năng phục hồi lại vị trí tổn thương tương đối dễ dàng mà ít ảnh hưởng đến các cấu trúc giải phẫu lân cận. Sau mổ khoảng 2 tháng, bệnh nhân có thể trở lại với các hoạt động sinh hoạt thông thường nhưng không thực hiện các động tác nhanh mạnh hoặc mang xách nặng. Trong 2 tháng đầu, cần tập vận động để duy trì biên độ vận động của khớp vai và tránh teo các cơ quanh vai.

TS. Trần Trung Dũng


Ý kiến của bạn