Bệnh tay- chân- miệng lây từ người sang người
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các nguy cơ lây truyền bệnh, nhất là trong các đợt bùng phát dịch.
Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, bệnh lây truyền qua đường "phân - miệng" và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,.... nhất là khi bệnh nhân hắt hơi , nói chuyên. Đa số bệnh tay chân miệng không nguy hiểm, tuy nhiên bệnh do EV71 thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện chính là tổn thương da -niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời..
Cần nhắc lại là đa số tiên lượng tốt nên bệnh chủ yếu được điều trị tại nhà, phụ huynh không nên hoảng hốt khi được bác sĩ chẩn đoán là tay chân miệng.
Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sốt, phát hiện sớm những triệu chứng thần kinh như giật mình, hốt hoảng, nôn ói hay tiêu lỏng, và điều trị biến chứng, đảm bảo vệ sinh răng miệng, thân thể, đảm bảo cung cấp nước , dinh dưỡng cho trẻ.
Tổn thương do bệnh tay- chân- miệng
Cần đi khám lại ngay khi có dấu hiệu nặng
Cần đi khám lại ngay khi có dấu hiệu sau đây: Bệnh nhi sốt cao liên tục ≥ 39ºC khó hạ, thở mệt hay thở yếu, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều, giật mình, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê. Hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng bệnh phổ cập, áp dụng phòng bệnh cho bệnh lây qua đường tiếp xúc.
Hạn chế nguy cơ lây lan bệnh
Bệnh tay- chân- miệng có thể lây theo đường tiêu hóa. Các chất tiết từ miệng như nước bọt, phân vấy qua vật dụng sinh hoạt, tay cửa cầm nắm, đồ chơi, sàng nhà,.. trẻ hoặc người chăm sóc trẻ sờ tay chạm phải, rồi trẻ đưa tay vào miệng hoặc đút ăn cho trẻ mà không rửa tay. Các siêu vi trùng có trong các chất tiết từ đường hô hấp như nước mũi bắn ra lúc ho, lúc hắt hơi có thể gây lây trực tiếp.
Do đó, trẻ em khi đi học ngồi, tiếp xúc gần gũi trong cùng một lớp học, ăn uống chung trong căn tin trường học thường dễ lây cho nhau. Hoặc các anh, chị, em cùng nhà, chơi chung và ăn chung mâm với nhau cũng có thể lây lan cho nhau. Đặc biệt trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo chơi đồ chơi chung, bò trườn trên sàng nhà càng dễ lây lan với nhau. Tất cả các yếu tố trên có thể làm bệnh tay- chân- miệng lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở nơi đông dân cư.
Các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi làm vệ sinh cho trẻ khi trẻ đi cầu,.. là biện pháp vô cùng quan trọng. Trẻ cũng cần được tắm rửa, vệ sinh cơ thể mỗi ngày, vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.
Tuy nhiên, để phòng ngừa và hạn chế bệnh tay- chân- miệng lây lan trong cộng đồng, các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tẩy uế nơi ở, sinh hoạt, học hành cũng không kém phần quan trọng. Như đã biết, Enterovirus có tính kháng với cồn 700 và ether, tồn tại trong môi trường pH thấp (pH = 3), có thể vẫn còn hoạt động nhiều ngày trong nhiệt độ phòng, nên các chất sát trùng thông thường như cồn sát khuẩn không thể tiêu diệt được virus này. Mà muốn diệt các loại virus này phải dùng dung dịch Cloramin B 2% hay dung dịch nước Javel 0,5%.
Muốn có dung dịch Cloramin B 2%, chúng ta pha 20g Cloramin B trong một lít nước, hay dung dịch nước Javel 0,5% thì pha một phần Javel với 9 phần nước. Nếu dùng chai dung dịch Surfanios thì lấy 20ml hay 1 nắp, hoặc nếu dùng dạng gói thì 1 gói pha với 8 lít nước, ta sẽ được dung dịch có nồng độ 0,25%. Dùng các dung dịch này để lau sàng nhà, các tay cửa, vật cầm nắm,…Sau khi lau để khô trong 15 phút rồi lau lại bằng nước sạch. Đồng thời dùng các dung dịch trên để ngâm đồ chơi của trẻ trong thời gian 10 – 15 phút và rửa lại bằng nước sạch và cần thực hiện mỗi ngày.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng
- Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi.
-Rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi cầu.
-Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh.
-Cho trẻ ăn uống đầy đủ và ngủ chơi hợp lý.