Nhận biết dấu hiệu cơ thể có bệnh

26-11-2015 10:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Hằng ngày có thể chúng ta gặp một số triệu chứng như đầy hơi khó tiêu, đau ngực, táo bón, khó thở, mệt...

Hằng ngày có thể chúng ta gặp một số triệu chứng như đầy hơi khó tiêu, đau ngực, táo bón, khó thở, mệt... Thông thường thì những triệu chứng này thường bị cho qua. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện này lặp lại trong một thời gian dài thì không thể xem thường - đó có thể là biểu hiện của những căn bệnh trầm trọng.

Nhận biết dấu hiệu cơ thể có bệnh
Khi bị mệt mỏi, khó chịu kéo dài cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

- Mệt mỏi kéo dài: Nếu do công việc thì sau khi nghỉ ngơi sẽ hết. Nhưng nếu kéo dài mà khi chuyển mùa cũng làm bệnh nặng hơn, điển hình là tình trạng bệnh nhân rất mệt mỏi, không cải thiện được khi nghỉ ngơi tại giường dẫn đến hoạt động thể lực hoặc tâm thần kém đi. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau nhiễm khuẩn, cảm lạnh, viêm phế quản, tăng bạch cầu đơn nhân, viêm gan hoặc bệnh đường ruột hoặc nếu mệt mỏi kèm theo cảm giác ớn lạnh, ốm yếu, tóc dễ gãy, tăng cân, da sạm, khô... hãy đi kiểm tra sức khỏe tổng quát.

- Chứng táo bón hoặc tiêu chảy: Bệnh tiêu chảy có thể do bị stress, ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm độc. Chứng táo bón có thể là một dấu hiệu xấu, có thể biểu hiện của mắc bệnh trĩ. Nếu phân có máu thì đó là dấu hiệu chảy máu trong một bộ phận nào đó của hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu bị tiêu chảy hay táo bón kéo dài phải đi kiểm tra ở khoa tiêu hóa.

-  Khô miệng: Nếu bị khô miệng lâu và bỗng dưng dễ nổi nóng thì cơ thể bạn đang bị thiếu vitamin B3. Loại vitamin này có nhiều trong thịt chim, thịt bò, quả hồ đào và phần phôi của gạo. Tuy nhiên, khô miệng còn có thể do bị mắc viêm tuyến nước bọt, hoặc cũng có thể là những triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

- Khản giọng: Nếu giọng bị khản hơn 3 tuần thì nên đi kiểm tra. Khản giọng thường do thanh quản bị kích thích khi uống rượu, hút thuốc. Đó cũng là dấu hiệu của viêm đường hô hấp hoặc viêm phổi, phế quản. Ngoài ra, các u lành tính của thanh quản như u xơ, polyp... khi chúng xuất hiện trên các dây thanh cũng gây tình trạng khàn tiếng. Nếu u hoặc polyp khá to, gây chèn ép, có thể kèm theo tình trạng khó thở.Trường hợp lao thanh quản cũng gây khản giọng, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân đã bị lao phổi hay lao hạch trước đó. Những tổn thương lao và các hạt lao trên dây thanh cùng với hiện tượng loét sụn phễu và các dây thanh, làm cho bệnh nhân bị khàn tiếng dần dần và đôi khi có giọng đôi. Ung thư dây thanh quản khiến người bệnh bị khàn tiếng ngày càng tăng không đáp ứng với điều trị.

- Đau ngực: Đau ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Đây có thể chỉ là biểu hiện của bệnh lý không nguy hiểm nhưng cũng có thể là chỉ điểm cho các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân. Dấu hiệu này có thể là do tập thể dục quá sức khiến cơ ngực đau. Nếu khó chịu ở trước ngực và khi cử động hay ấn tay vào thấy đau hơn có thể do viêm sụn xương sườn. Nếu bạn bị đau ngực khi gắng sức thì hãy nghỉ ngơi, hiện tượng này sẽ biến mất, khi có cơn đau dữ dội ở ngực, đó có thể là cơn đau tim. Ngoài ra, đau ngực còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cần phải đến khoa cấp cứu ngay như: bóc tách động mạch chủ ngực, thuyên tắc động mạch phổi, tràn khí màng phổi...

Bác sĩ  Hoàng Định

 

 

 


Ý kiến của bạn