Người bệnh sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu trước đó đã từng bị thiếu máu cục bộ não thoáng qua.
Nguyên nhân
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể do tình trạng máu đông hoặc ứ đọng trong động mạch não hoặc do vật cản dòng chảy (cục máu đông do suy tim, mảng xơ vữa động mạch bong ra) của động mạch não gây ra tình trạng chặn dòng chảy của máu hoặc do động mạch bị co thắt ở một vùng nào đó của não gây thiếu máu (thiếu oxy, dưỡng chất). Với cục máu đông, phần lớn cơ thể con người có thể tự phá hủy các khối máu đông này để máu có thể lưu thông lại, từ đó các triệu chứng biến mất nhưng một số trường hợp cơ thể bất khả kháng gây nên thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Ngoài ra, yếu tố môi trường đóng vai trò khá quan trọng, đó là dưới tác động của nhiều tác nhân gây hại cho sức khỏe như môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, stress, căng thẳng... làm gốc tự do gia tăng mạnh mẽ ngay cả ở người trẻ, đặc biệt là dân công sở thường xuyên chịu đựng và có thể mắc bệnh.
Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở những người từng bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu phổ biến nhất là người bệnh có thể cảm thấy yếu ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (tứ chi, giọng nói...). Các triệu chứng khác bao gồm bối rối, chóng mặt, song thị (nhìn 1 vật thành 2 vật), mất trí nhớ, tê liệt, nói khó, phát âm không rõ tiếng, nuốt khó và có thể bị ngứa.
Tiến triển của bệnh
Trong 70% các trường hợp, các triệu chứng biến mất trong ít hơn 10 phút và 90% trường hợp các triệu chứng biến mất trong ít hơn 4 giờ. Bệnh có thể bị tăng nặng ở người tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường hoặc ở người có độ tuổi ngoài 55. Tuy vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu não cục bộ thoáng qua đang ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua chỉ ở tuổi 35, thậm chí có những trường hợp còn trẻ hơn.
Nếu vị trí tắc nghẽn được khơi thông ngay, người bệnh có thể phục hồi sau vài phút nhưng nếu kéo dài có nguy cơ dẫn đến đột quỵ - tai biến mạch máu não.
Một số xét nghiệm có thể thực hiện
Người bệnh có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cần được làm xét nghiệm khảo sát các yếu tố nguy cơ, bao gồm: chụp cắt lớp vi tính não hoặc chụp cộng hưởng từ não, xét nghiệm công thức máu, xác định chỉ số lipid máu, điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống - thân nền (xác định xem có bị hẹp hay không). Các xét nghiệm này nên hoàn tất càng nhanh càng tốt (trong vòng 24-48 giờ đầu sau cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua). Các kết quả xét nghiệm là cơ sở xác định nguyên nhân nhằm giúp điều trị dự phòng.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Trước hết, cần được cấp cứu càng nhanh, càng sớm càng tốt. Song song, cần tìm nguyên nhân để điều trị nguyên nhân (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, suy tim...)
Một số người có quan niệm rằng các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua lành tính, còn đột quỵ não mới nghiêm trọng, đây là một nhận thức rất sai lầm. Đột quỵ não và cơn thiếu máu não cục bộ, thoáng qua đều là tình trạng nghiêm trọng liên quan tới thiếu máu não cục bộ. Bác sĩ cần chẩn đoán sớm, kịp thời và có thái độ xử trí đúng với bệnh nhân bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Bởi vì cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có các triệu chứng lâm sàng chỉ xảy ra trong chốc lát hoặc có thể kéo dài hơn nhưng là yếu tố chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ não thực thụ. Do vậy, bệnh nhân cần được xử trí, điều trị sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt. Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống điều độ, nên giảm ăn muối, tăng thực phẩm, trái cây giàu kali (chuối chín, giá đỗ...) để đề phòng bệnh tăng huyết áp. Hàng ngày, nên ăn nhiều rau để vừa có sinh tố vừa có chất xơ giúp tiêu hóa tốt, nên hạn chế ăn mỡ động vật hoặc các phủ tạng động vật. Người có mỡ máu cao càng cần kiêng mỡ động vật, thịt đỏ, tôm, lòng động vật. Không căng thẳng thần kinh, tích cực và kiên trì điều trị bệnh mạn tính. Người đã có tiền sử có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua nên kiêng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, trà đặc, tránh thức khuya. Để tránh mắc các bệnh có nguy cơ dẫn đến bệnh thiếu máu não cục bộ thoáng qua, mọi người bất kể nam hay nữ giới nên vận động cơ thể một cách đều đặn hàng ngày bằng cách tập thể dục buổi sáng, buổi chiều, chơi các môn thể thao nhẹ như chơi cầu lông, bóng bàn, bơi hoặc đi bộ. Mỗi ngày nên dành thời gian vận động cơ thể khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần, mỗi lần 20 - 30 phút. Tốt nhất, đơn giản nhất và cũng rất có lợi là đi bộ, tuy vậy, tránh đi bộ vào lúc nắng, mưa hoặc trời lạnh quá.