Nhận biết các thuốc làm tăng huyết áp

05-08-2015 14:00 | Dược
google news

SKĐS - Tăng huyết áp (THA) là chứng bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Người bệnh tăng huyết áp dễ mắc kèm một số bệnh khác.

Tăng huyết áp (THA) là chứng bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Người bệnh tăng huyết áp dễ mắc kèm một số bệnh khác. Vì vậy, họ không chỉ dùng một loại thuốc trị THA, mà còn dùng nhiều loại thuốc để trị bệnh khác. Có điều ít người quan tâm là một số loại thuốc chữa bệnh thông thường có thể gây THA một cách bất thường.

Các thuốc có thể gây tăng huyết áp

Thuốc trị cảm cúm: Loại thuốc trị cảm cúm - sổ mũi chứa phenylpropanolamin, pseudoephedrin làm THA. Do thành phần trong các thuốc trị cảm - sổ mũi ngoài dược chất paracetamol thường chứa thêm thuốc có tác dụng làm co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi như phenylpropanolamin hoặc pseudoephedrin, có tác dụng làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhanh. Các chất co mạch trên ngoài việc tác dụng gây co các tiểu động mạch ở cuốn mũi nhưng cũng có thể gây co các mạch trên toàn cơ thể. Điều này góp phần làm THA của bệnh nhân. Huyết áp sẽ tăng ít hoặc không tăng nếu như thuốc được sử dụng với liều vừa đủ trong giới hạn cho phép. Nếu dùng quá liều có thể gây cơn THA đối với người không bị bệnh THA và kích hoạt gia tăng cơn THA ở bệnh nhân đang bị THA.

Viên sủi chứa natri dễ làm tăng huyết áp.

Dạng thuốc sủi bọt: Còn gọi là viên sủi, là dạng thuốc được nhiều người ưa chuộng hiện nay, do được hòa tan trong nước trước khi đưa vào cơ thể nên thuốc tác dụng nhanh do không cần thời gian tan rã. Có nhiều thuốc được dùng ở dạng sủi bọt, hai loại thuốc thông dụng là thuốc giảm đau hạ nhiệt trị cảm sốt và thuốc bổ cung cấp vitamin, chất khoáng. Ít ai biết việc sử dụng dạng thuốc sủi bọt này làm cho người uống bị THA. Do dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat hoặc natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với acid citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt), cho nên, trong thuốc sủi bọt luôn chứa natri (mỗi viên thuốc sủi bọt có chứa khoảng 250-350mg natri), có thể gây THA đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Với người không có bệnh lý THA, cũng nên thận trọng khi dùng thuốc dạng sủi. Dùng quá nhiều, natri của muối hiện diện nhiều trong cơ thể sẽ giữ nước làm THA. Người cao tuổi đang điều trị bệnh THA tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt, để phòng ngừa những cơn tăng huyết áp bất ngờ.

Thuốc trị viêm xương khớp: thuốc được dùng nhiều trong các bệnh lý viêm xương khớp là nhóm thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID). Không chỉ có thuốc NSAID cổ điển như diclofenac, ibuprofen... mà cả thuốc mới như celecoxib có thể gây THA. Người cao tuổi thường dễ mắc bệnh viêm xương khớp (còn gọi là thoái hóa khớp) nếu có thêm bệnh THA mà lại dùng bừa bãi thuốc NSAID thì dễ bị tai biến nguy hiểm.

Thuốc có chứa hormon: Có 2 loại hormon (còn gọi là nội tiết tố do tuyến nội tiết tiết ra) được dùng làm thuốc và dùng lâu dài có thể gây THA là estrogen và glucocorticoid (thường được gọi corticoid). Estrogen là hormon thường có trong thuốc ngừa thai phối hợp (chứa 2 hormon sinh dục nữ là estrogen và progesteron) và thuốc trị rối loạn do mãn kinh ở phụ nữ (gọi là liệu pháp hormon thay thế). Estrogen không chỉ có nguy cơ THA mà còn gây huyết khối làm thuyên tắc tĩnh mạch. Còn nhóm thuốc corticoid như: dexamethason, prednisolon, prednison... là thuốc chống viêm, chống dị ứng (trị viêm xương khớp, hen suyễn...) có thể gây THA do giữ nước và natri lại trong cơ thể.

DS. Nguyễn Thanh Lâm

 

Lời khuyên cho người dùng thuốc

Để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc nói chung, đặc biệt là chứng THA do thuốc, người bệnh cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Phải coi tờ hướng dẫn sử dụng là cẩm nang khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Có thể trong quá trình kê đơn, bác sĩ không thể khai thác hết tiền sử hay cơ địa của từng người, nên không thể lường hết được các tình huống có thể xảy ra khi người bệnh uống thuốc ở nhà. Nhưng trong tờ hướng dẫn sử dụng lại có thông tin đầy đủ về tác dụng phụ, chống chỉ định... Nên người bệnh thoải mái đối chiếu và kiểm chứng xem mình có nằm trong đối tượng dễ bị tác dụng phụ không. Trong quá trình dùng thuốc, thấy bất cứ biểu hiện nào khác lạ hoặc đo huyết áp thấy tăng cao, thì cần dừng thuốc và báo cho bác sĩ. Tuyệt đối không nên dùng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cần cảnh giác với thuốc Đông y giả mạo, cô lại thành viên, không rõ thành phần, không có hạn sử dụng. Đây là thuốc thường được trộn với thuốc Tây y là corticoid nhằm đạt các tác dụng: trị đau nhức, ăn được, mập ra... nhưng thực chất là gây ứ nước trong cơ thể, dùng lâu ngày sẽ bị các tác dụng phụ nguy hiểm, trong đó có gây THA.

Mời các bạn xem bài sau: Thuốc Đông y cũng có thể gây tăng huyết áp

vào ngày 6/8/2015

 

 

 


Ý kiến của bạn