Nhận biết các loại lao ngoài phổi hay gặp ở trẻ em

11-12-2022 10:05 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Bệnh lao ngoài phổi do vi khuẩn lao gây ra. Trẻ em cũng có thể mắc các bệnh lao ngoài phổi như lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp…

Ban đầu vi khuẩn thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, lan truyền vào máu rồi đến cư trú ở bất kỳ cơ quan nào đó và gây bệnh. Tuỳ theo vị trí gây bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là: Lao phổi (vi khuẩn lao gây bệnh ở trong phổi) và lao ngoài phổi (vi khuẩn lao gây bệnh tại các bộ phận khác không phải là phổi).

Bệnh lao ngoài phổi do vi khuẩn lao gây ra..Trẻ em cũng có thể mắc các bệnh lao ngoài phổi như lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp… Ảnh minh hoạ

Trẻ em cũng có thể mắc các bệnh lao ngoài phổi như lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp… Ảnh minh hoạ

Các loại lao ngoài phổi hay gặp ở trẻ em

Các bệnh lao ngoài phổi ở trẻ em thường gặp là: lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp lao hạch ngoại vi, lao màng não, lao kê. lao màng não

  • - Lao màng não có biểu hiện lâm sàng hay gặp với triệu chứng đau đầu, khó chịu, quấy khóc, nôn, hôn mê, giảm hoặc mất ý thức, co giật, cổ cứng, thóp phồng, liệt.
  • - Lao kê với dấu hiệu lâm sàng có thể rầm rộ như khó thở, sốt cao, tím tái không tương xứng dấu hiệu thực thể ở phổi, hôn mê, suy kiệt…
  • - Lao màng bụng với biểu hiện lâm sàng hay gặp là bụng to dần, cổ trướng, gõ đục phần thấp hoặc có các đám cứng trong ổ bụng; xét nghiệm chọc hút màng bụng để xác định; trường hợp này nên chuyển lên tuyến trên để điều trị.
  • - Lao cột sống với biểu hiện lâm sàng hay gặp là đau cột sống vùng tổn thương, đau tăng khi vận động, cột sống bị biến dạng, có thể chân bị yếu hay bị liệt; chụp phim X quang cột sống để xác định và nên chuyển lên tuyến trên để điều trị.
  • - Lao màng ngoài tim với biểu hiện lâm sàng hay gặp là nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, mạch khó bắt, khó thở; chụp phim X quang lồng ngực, siêu âm tim, chọc dịch màng tim để xác định và nên chuyển lên tuyến trên để điều trị.
  • - Lao xương khớp với biểu hiện lâm sàng hay gặp ở cuối các xương dài, khớp sưng biến dạng, hạn chế vận động, có hiện tượng tràn dịch một bên và thường xảy ra ở khớp gối hoặc khớp háng.
  • - Lao hạch ngoại vi khi có các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng ghi nhận. Về lâm sàng, hạch lao thường gặp ở vùng cổ, tiến triển chậm, to dần, kích thước trên 2cm, không đối xứng, không đau, không đỏ; trong giai đoạn muộn nếu không được điều trị có thể dò ra chất bã đậu, lâu liền sẹo; triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt, ra mồ hôi ban đêm, sụt cân; điều trị kháng sinh phổ rộng khoảng 1 - 2 tuần không đáp ứng.
  • - Lao màng phổi có biểu hiện lâm sàng thường gặp là nghe tiếng rì rào phế nang giảm và gõ đục, có thể có đau tức; thực hiện xét nghiệm chụp phim X-quang, chọc dịch màng phổi để giúp chẩn đoán.
  • - Lao ruột có biểu hiện lâm sàng như đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đàm, máu kéo dài.

Chẩn đoán, điều trị bệnh lao ngoài màng phổi ở trẻ em

Việc chẩn đoán lao ngoài màng phổi ở trẻ em thường khó hơn so với người lớn. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi trùng lao vì trẻ chưa hoặc không biết khạc đờm. Đối với lao sơ nhiễm trẻ có những triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh cảnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán.

Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định.

Sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccin BCG phòng lao vì việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccin BCG phòng lao vì việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh lao cho trẻ phụ thuộc vào người lớn là chủ yếu. Vì thế chúng ta nên:

  • - Sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccin BCG phòng lao vì việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • - Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt nhất.
  • - Dinh dưỡng, ngủ nghỉ phài đầy đủ, phù hợp, khoa học.
  • - Giữ vệ sinh nhà, phòng ngủ cho trẻ luôn sạch, thoáng.
  • - Phát hiện và điều trị cho người trong gia đình nếu mắc bệnh lao, cách ly trẻ với các trường hợp đó.

Xem thêm video được quan tâm

Hướng dẫn phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ.



Bs. Thanh Mai
Ý kiến của bạn