Hen suyễn là một loại bệnh lý gây co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Nếu bị hen suyễn, đường dẫn khí luôn trong tình trạng bị viêm nhiễm, phù nề và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm đường dẫn khí sẽ làm thu hẹp đường dẫn khí khiến người bệnh khó thở, lồng ngực nặng, thở khò khè kèm tiếng ran rít, cò cử. Trong một vài trường hợp, các tuyến nhầy trên đường dẫn khí tiết ra quá nhiều, có thể gây tắc nghẽn đường dẫn khí. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh.
Hen suyễn dị ứng: Xuất phát từ nguyên nhân dị ứng với một số loại như phấn hoa hay vảy da của thú vật. Người bị loại hen suyễn này có tiền sử cá nhân hay gia đình bị bệnh về dị ứng như: viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô và những bệnh ngoài da như ngứa, nổi ban đỏ... Hen suyễn theo mùa - một dạng của hen suyễn dị ứng, có thể bị gây bùng phát bởi cây cỏ hoặc hoa phóng thích phấn hoa vào không khí. Ví dụ như một số người thấy rằng bệnh hen suyễn của họ thường trở nên tệ hại hơn vào mùa xuân khi cây cỏ nở hoa; Hen suyễn do vận động thể lực hoặc sau các hoạt động gắng sức;
Hen suyễn về đêm: Là loại hen suyễn thường chỉ xảy ra về đêm, đặc biệt thời gian điển hình từ 2 - 4 giờ sáng. Lúc này, nồng độ của các chất mà cơ thể bạn sinh ra như adrenalin và corsticosteroid để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suyễn thấp nhất làm xuất hiện các triệu chứng hen suyễn;
Hen suyễn trong thai kỳ: Thai phụ bị hen suyễn có tỷ lệ biến chứng liên quan đến thai kỳ cao hơn. Trong số những bệnh nhân có thai bị hen suyễn, 1/3 sẽ thấy có cải thiện chứng hen suyễn, 1/3 vẫn duy trì tình trạng cũ và 1/3 sẽ bị hen suyễn nặng hơn;
Hen suyễn do nghề nghiệp: nhạy cảm và bùng phát bệnh khi tiếp xúc với hơi khói bụi hay môi trường hoá chất độc hại.
Khi điều trị bệnh hen suyễn, bác sĩ thường phải xác định loại hen suyễn thông qua các triệu chứng mà bạn mắc phải. Nếu điều trị đúng cách, chúng ta có thể kiểm soát bệnh hen suyễn.
Không có một cách thức chắc chắn để khẳng định rằng ai có thể bị bệnh suyễn và ai không bị. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tạo khả năng mắc hen suyễn nhiều hơn: Hút thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ bị hen suyễn ở người trưởng thành. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động làm gia tăng thêm nguy cơ này; Sống trong thành phố - Số người bị hen suyễn đã gia tăng trong 20 năm gần đây, đặc biệt là những người sống trong thành phố.
BS. minh châu