Nguyên nhân gây bệnh chàm
Bệnh chàm có thể gặp ở hầu hết các vị trí của cơ thể, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, cẳng tay, cánh tay, ít gặp hơn ở mặt, cổ, da đầu, chân, ngực và lưng.
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm đến nay vẫn chưa có kết luận chắc chắn. Những yếu tố có thể gây phát sinh bệnh bao gồm:
- Phản ứng của hệ thống miễn dịch với dị nguyên gây dị ứng.
- Các vấn đề khiếm khuyết trong cấu tạo hàng rào bảo vệ da khiến độ ẩm thoát ra ngoài và vi trùng xâm nhập.
- Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh dị ứng hoặc hen suyễn khác.
- Thiếu hụt filaggrin (một loại protein tham gia cấu tạo hàng rào bảo vệ da) có thể dẫn đến da khô hơn, ngứa hơn.
Ngoài ra, một số người gặp phải tình trạng bùng phát phát ban ngứa do cơ thể phản ứng với những yếu tố như:
- Trang phục, khăn trải giường vải thô ráp như len, polyester,…;
- Cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh;
- Các sản phẩm gia dụng như xà phòng hoặc chất tẩy rửa;
- Lông động vật;
- Nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh;
- Căng thẳng;
- Đổ nhiều mồ hôi...
Nhận biết các loại chàm thường gặp
- Chàm tổ đỉa: Là bệnh viêm da với mụn nước hình thành trên ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân… Bệnh gây ra tình trạng ngứa và đau, làm cho da đóng vảy, nứt, bong tróc.
- Chàm thể đồng tiền: Là dạng viêm da có những nốt sần hình tròn hoặc mụn nước giống như đồng tiền. Những nốt sần này có thể hình thành vảy, hoặc đôi khi có thể gây ngứa. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này có thể là do côn trùng đốt hoặc da bị dị ứng với các hóa chất.
- Chàm nhiễm trùng (chàm vi khuẩn): Nguyên nhân gây bệnh đến từ những yếu tố như nhiễm nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Nhiễm nấm nông đặc biệt nấm bàn chân là nguyên nhân thường gặp nhất. Biểu hiện lâm sàng của chàm vi trùng khá đa dạng: mụn nước lan tỏa hoặc khu trú, phát ban dạng dát sẩn hoặc tinh hồng nhiệt, hồng ban nút, hồng ban đa dạng, hồng ban nhẫn ly tâm, hội chứng Sweet, tổn thương dạng vảy nến, phát ban mụn mủ dát đỏ lan tỏa,…
- Viêm da ứ đọng hay viêm da ứ trệ: Bệnh thường xảy ra ở người có hệ tuần hoàn máu kém, thường xuất hiện ở vùng cẳng chân. Không giống như một số loại bệnh chàm khác, tình trạng viêm không liên quan đến các gen. Một số thói quen từ lối sống có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh như thừa cân và thiếu vận động. Ngoài ra, một số nghề nghiệp do phải đứng lâu (giáo viên, bảo vệ,…) hay ngồi lâu (thợ may, tài xế, nhân viên văn phòng,…) cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Chàm tay: Bệnh chàm tay là bệnh chỉ xảy ra ở tay, do đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều với các hóa chất. Đây được coi là một bệnh nghề nghiệp, những người mắc những bệnh này là những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất ở tay như thợ cắt tóc, người giặt là, người rửa bát…
- Viêm da tiết bã: Do sự hoạt động quá mức của tuyến bã, gây ra các mảng bã nhờn từ đó tạo nên các mảng bong tróc giống như gàu. Triệu chứng hay xuất hiện ở những nơi tuyến bã hoạt động mạnh như da đầu, nách, bẹn, nếp mũi má, chân mày, mang tai, trước ngực…
- Viêm da thần kinh: Bắt đầu bằng triệu chứng ngứa ở các vùng da như gáy, cánh tay hoặc chân, người bệnh sẽ gãi để giảm cảm giác ngứa, chính vì vậy tạo nên những mảng đỏ ở trên da tạo nên vòng lặp ngứa – gãi – ngứa. Viêm da thần kinh có thể xuất phát từ các bệnh chàm nhưng cũng có thể xuất phát từ bệnh vảy nến, một số nhà khoa học cho rằng stress cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm da thần kinh.
- Viêm da cơ địa: Hay còn gọi là viêm da dị ứng là dạng chàm hay gặp nhất trong đời sống. Đa số gặp ở lứa tuổi sơ sinh, theo thời gian các triệu chứng giảm đi, hầu hết biến mất khi trẻ trên 10 tuổi.
- Viêm da tiếp xúc: Là bệnh xảy ra khi chạm vào một vật nào đó, gây ra các biểu hiện kích ứng trên da như da bị đỏ lên, bị kích ứng và gây ngứa. Các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này là các chất tẩy rửa, mủ cao su, sơn…
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa bệnh chàm cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, nên tránh các loại mỹ phẩm, xà phòng gây kích ứng da. Thử sản phẩm mới nên dùng thử trong 24 giờ trên vùng da cánh tay, nếu không thấy kích ứng thì có thể sử dụng.
Khi ngứa, tránh gãi nhiều trên da. Tránh xa các yếu tố có thể kích ứng da. Chú ý dưỡng da. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể để tránh mất nước dẫn tới khô da.
Nếu da xuất hiện bất cứ tình trạng nào như nổi mụn nước, ngứa, mẩn đỏ, da tăng sắc tố, da dày nổi sần mà không hết theo thời gian thì cần nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị.