Nhận biết các bệnh lý tại mi mắt

11-12-2022 08:00 | Y học 360
google news

Theo các chuyên gia Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, các bệnh lý tại mi mắt khổng chỉ làm giảm tính thẩm mỹ cho người bệnh còn kéo theo cảm giác đau nhức khó chịu. Tuy nhiên bệnh thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm dẫn đến điều trị không hiệu quả và gây nhiều biến chứng đến mắt.

Các bệnh lý tại mi mắt thường găp sau:

Chắp lẹo:

Chắp mắt là một vết sưng trên mí mắt có thể hình thành sau viêm bờ mi trước hoặc sau. Chắp mi mắt xảy ra khi tuyến dầu của mí mắt bị tắc nghẽn. Các chất tiết từ tuyến meibomian thường có ở lớp sau của mí mắt có thể rò rỉ vào các mô xung quanh, gây viêm. Ban đầu, người bệnh có thể không biết mình bị chắp vì thường không có hoặc ít có cảm giác đau. Nhưng khi chắp phát triển, mí mắt có thể bị đỏ, sưng và đôi khi cảm thấy mềm khi chạm vào. Nếu chắp phát triển, nó có thể đè lên mắt và gây mờ mắt.

photo-1670381266053

Còn lẹo mắt là một một ổ sưng tấy cấp tính, cục bộ ở tuyến bờ mi gây ra chủ yếu bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc nhiễm vi khuẩn dưới mí mắt.

Triệu chứng của lẹo bên trong cũng giống như chắp bao gồm đau, đỏ mắt và phù nề khu trú ở bề mặt kết mạc sụn mi sau. Viêm có thể nặng, đôi khi người bệnh có thể bị sốt hoặc ớn lạnh.

Viêm bờ mi: Là tình trạng viêm mạn tính 1 hoặc 2 bên mí mắt. Bệnh không lây nhiễm và thường do nhiễm khuẩn (Staphylococcal) hoặc do tiết dầu nhiều trên mí mắt dẫn đến nhiễm khuẩn. Có 2 loại viêm bờ mi chính là viêm phía trước (ảnh hưởng đến mép ngoài mí mắt) và viêm phía sau (ảnh hưởng đến bên trong mí mắt).

Không có thuốc điều trị viêm bờ mi, vì vậy cách tốt nhất là điều trị triệu chứng để giảm đau và kích ứng: chườm khăn ấm. Nhúng ướt lại khăn sau mỗi 5-10 phút, chườm ấm nhiều lần mỗi ngày; Nhẹ nhàng rửa sạch mí để loại bỏ vảy đóng quanh mí mắt; Tránh đeo kính áp tròng và trang điểm mắt khi bị viêm bờ mi; Massage tuyến mí mắt khi cần thiết để kích thích tiết dầu thừa. Luôn rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào mắt.

Quặm mi bẩm sinh và mắc phải: Quặm mi là tình trạng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu khiến lông mi và da cọ xát với phần giác mạc và kết mạc gây ra ngứa ngáy và khó chịu.

photo-1670381270784

Bệnh quặm mi thường xuất hiện ở mi mắt dưới và hay gặp ở người lớn (ngoài 60 tuối) do hệ quả của việc tiêu mỡ hốc mắt khiến mắt bị lõm.

Đôi khi bệnh quặm mi xuất hiện ở trẻ nhỏ khi mới sinh ra hay còn gọi là quặm bẩm sinh. Nếu không được điều trị sớm, quặm mi sẽ có thể làm hỏng giác mạc và dẫn đến mất thị lực.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh quặm mi là do ma sát của lông mi và mí mắt ngoài với bề mặt mắt. Quặm mi có thể xuất hiện các biểu hiện sau:

- Cảm giác cộm trong mắt

- Đỏ mắt

- Kích ứng hoặc đau mắt

- Nhạy cảm với ánh sáng và gió

- Chảy nước mắt (với tần suất liên tục)

- Tiết dịch nhầy và đóng vảy mí mắt, mắt có nhiều rỉ

Da dư, mỡ mí mắt: Bọng mỡ mắt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở người lớn tuổi, có dấu hiệu lão hóa. Bọng mắt là tình trạng một vùng da quanh mắt (thường là mi trên và mi dưới) sưng nhẹ hoặc phồng lên. Theo thời gian, các mô xung quanh mắt bao gồm cơ nâng mi sẽ dần yếu đi và mất tính đàn hồi. Các vùng trũng khiến mỡ quanh mắt chảy xuống mí dưới, kèm theo chất lỏng tích tụ gây ra hiện tượng sưng mi hay bọng mi mắt.

Hiện phẫu thuật tạo hình mí mắt trên hoặc dưới, là một thủ thuật thẩm mỹ để cải thiện tình trạng chảy xệ, bọng túi mỡ thừa hoặc nếp nhăn của vùng mí mắt.

photo-1670381281001

Sụp mí: là khi mí mắt trên bị sụp xuống bất thường khi mắt nhìn thẳng. Mí mắt có thể chỉ hơi rủ xuống một chút hoặc nhiều đến mức che phủ con ngươi. Sụp mi có thể hạn chế hoặc thậm chí chặn hoàn toàn tầm nhìn bình thường, làm ảnh hưởng ít nhiều đến thị lực, thị trường và thẩm mỹ của bệnh nhân.

Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh sụp mi. Tùy vào tình trạng có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật giúp thoát khỏi tình trạng này.

U mí mắt, u mỡ vàng: U vàng mi mắt là tình trạng lắng đọng Cholesterol dưới da, còn được gọi là Xanthelasmata. Nó có màu vàng, mềm, phẳng, không đau và giới hạn rõ với vùng da xung quanh, thường ở mi trên hoặc quanh mí mắt, những tổn thương này thường giữ nguyên về kích thước hoặc phát triển chậm theo thời gian. U vàng có thể có tính chất di truyền. Trong một số trường hợp, tình trạng này là dấu hiệu của cholesterol trong máu cao và báo hiệu nguy cơ xơ vữa động mạch.

Để điều trị u mí mắt, u mỡ vàng bên cạnh phẫu thuật còn điều trị rối loạn lipid.

Hiện nay, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 điều trị các bệnh lý liên quan mi mắt kể trên với đội ngũ chuyên gia nhãn khoa giỏi, thiết bị hiện đại. Các chuyên gia sẽ thăm khám cẩn thận, tìm ra nguyên nhân cũng như các các hướng điều trị phù hợp giúp bạn có đôi mắt khỏe, đảm bảo thẩm mỹ.

photo-1670381285818


PV
Ý kiến của bạn