Hà Nội

Nhận biết bệnh viêm thực quản trào ngược

19-07-2017 14:15 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm thực quản trào ngược (TQTN) là tình trạng viêm loét thực quản do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản diễn ra thường xuyên hay từng lúc.

Viêm thực quản trào ngược (TQTN) là tình trạng viêm loét thực quản do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản diễn ra thường xuyên hay từng lúc. Mức độ viêm thực quản phụ thuộc vào thời gian và tần suất tiếp xúc giữa các chất trào ngược với niêm mạc thực quản. Bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không chữa trị kịp thời.

Yếu tố nào gây thực quản trào ngược?

Nguyên nhân của bệnh là do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và các yếu tố tấn công. Các yếu tố bảo vệ gồm có hàng rào chống trào ngược, quá trình làm sạch lòng thực quản và sức đề kháng của lớp biểu mô. Các yếu tố tấn công gồm có: rối loạn cơ thắt dưới, rối loạn co bóp thực quản thoát vị hoành trượt (một phần dạ dày chui lên lồng ngực chậm làm rỗng dạ dày, tăng áp lực trong ổ bụng. Các nguyên nhân thuận lợi: do chế độ ăn chất béo, chocolate, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, người béo phì... Do sử dụng một số thuốc như thuốc hen phế quản (theophylin), thuốc chẹn kênh canxi như thuốc hạ huyết áp  nifedipin, amlor...Hình ảnh viêm thực quản.

Hình ảnh viêm thực quản.

Biểu hiện của viêm TQTN

Bao gồm các triệu chứng tại thực quản và các triệu chứng ngoài thực quản:

Các triệu chứng tại thực quản: Có 2 triệu chứng điển hình là ợ nóng (nóng rát sau xương ức) và ợ thớ. Ngoài ra còn một số triệu chứng có thể gặp như: đau vùng thượng vị, buồn nôn, đắng miệng, chua miệng, hôi miệng, cảm giác vướng cổ, nuốt khó, nuốt đau.

Các triệu chứng ngoài thực quản: Các triệu chứng đã xác định như ho mạn tính, viêm thanh quản, hen phế quản, mòn răng.

Các triệu chứng liên quan: Viêm họng, viêm xoang, xơ hóa phổi vô căn và viêm tai giữa.

Cơn đau ngực không do tim: đau âm ỉ dai dẳng vùng ngực bên trái có thể có lúc đau trội lên nhưng không có cơn đau dữ dội kèm  theo khó thở.

Các biến chứng của viêm TQTN: Loét thực quản từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, barrett thực quản (dị sản và loạn sản đoạn nối giữa thực quản và dạ dày) từ mức độ nhẹ tới mức độ nặng và cuối cùng là ung thư thực quản.

Nhận biết viêm TQTN và điều trị

Các triệu chứng của bệnh sẽ đánh giá mức độ bệnh như: triệu chứng nóng rát giữa ngực, sau xương ức mấy ngày trong tuần? Bạn có triệu chứng ợ hơi, ợ chua hoặc thức ăn từ dạ dày lên cổ họng, đau vùng bụng, buồn nôn, khó ngủ vào ban đêm...

Các phương pháp thăm dò khác: Chụp thực quản có thuốc cản quang, đo độ PH trong thực quản, nhấp nháy phóng xạ và nội soi thực quản để đánh giá có loét hay không và mức độ loét và biến chứng barrett  thực quản, ung thư thực quản.

Tuy nhiên, có tới 60% bệnh nhân bị viêm TQTN mà không có loét thực quản, do đó nếu soi thực quản mà không có loét cũng không loại trừ bệnh viêm TQTN (được gọi là  viêm TQTN thể không có loét).

Cần chỉ định nội soi cho những bệnh nhân sau: đã điều trị thử bằng thuốc ức chế bài tiết acid (PPI) trong 4 tuần mà không đỡ, bệnh nhân có các triệu chứng cảnh báo như tuổi trên 45, gầy sút, thiếu máu, nuốt đau và nuốt khó tăng dần.

Nhận biết bệnh viêm TQTN với một số các bệnh như: Loét thực quản do thuốc và do các nguyên nhân khác, ung thư thực quản co thắt thực quản, loét dạ dày - hành tá tràng, ung thư dạ dày, bệnh lý tuyến giáp.

Điều trị viêm TQTN

Điều trị thử bằng các thuốc ức chế tiết acid. Nguyên tắc điều trị tăng cường yếu tố bảo vệ, giảm hoặc loại bỏ yếu tố tấn công. Có 3 phương pháp điều trị: nội khoa, nội soi và ngoại khoa.

Cần thay đổi lối sống: Không hút thuốc lá, không rượu bia, tránh ăn nhiều chocolate, hạt tiêu, ớt, không ăn quá no, sau ăn không nằm ngay, kê cao giường khi ngủ, không mặc quần áo quá chật. Tránh hoặc hạn chế dùng một số thuốc như hen phế quản (theophylin), thuốc ngủ, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giảm đau...

Trong điều trị: Hiện nay, thuốc được lựa chọn đầu tiên là các thuốc ức chế bơm photon (PPI). Thời gian điều trị 4 - 8 tuần phụ thuộc vào tổn thương loét thực quản và đáp ứng điều trị của bệnh nhân; Thuốc trung hòa acid, trung hòa muối mật; Thuốc hỗ trợ nhu động; Thuốc có tác dụng làm rỗng dạ dày nhanh hơn và giúp co thắt thực quản dưới tăng co thắt...

Điều trị nội soi: Cắt tổ chức ung thư sớm thực quản qua nội soi: cắt lọc dưới niêm  mặc (ESD), cắt  hớt niêm mạc (EMR) hoặc bằng đợt  sóng cao tần (RFA), nong hoặc đặt stend (ống thông) thực quản khi có hẹp thực quản.

Điều trị ngoại khoa: Tạo hình môn vị (Fundoplication) thủ thuật nissen, thủ thuật hill, thủ thuật belsey. Mổ khi có loạn sản độ cao và ung thư thực quản.

Viêm TQTN là bệnh phổ biến, ngày càng tăng, bệnh do nhiều nguyên nhân và hay tái phát. Bệnh có biểu hiện các triệu chứng tại thực quản và ngoài thực quản. Để chẩn đoán bệnh cần hỏi kỹ bệnh nhân hoặc có thể điều trị thử bằng thuốc ức chế bài tiết acid . Khi có chỉ định cần nội soi thực quản để phát hiện loét và các biến chứng ở thực quản. Khi có biến chứng cần được điều trị và theo dõi định kỳ để phát hiện ung thư sớm thực quản.


TS.BSCKII. Phạm Thị Bình
Ý kiến của bạn