Viêm mủ nội nhãn là tình trạng viêm dẫn đến phá hủy các thành phần ở trong mắt (tổ chức nội nhãn) như võng mạc, dịch kính, hắc mạc... do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, vi rút, kí sinh trùng...
Bệnh này nam gặp nhiều hơn nữ, có thể mắc bệnh cả hai mắt. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là cơ hội tốt nhất để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân.
Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh viêm mủ nội nhãn
Viêm mủ nội nhãn có thể do những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như do chấn thương, sau phẫu thuật (viêm mủ nội nhãn ngoại sinh) hoặc do các tác nhân gây bệnh từ nơi khác đến mắt theo đường máu gọi là viêm mủ nội nhãn nội sinh.
Biểu hiện của viêm mủ nội nhãn có thể là:
- Đau nhức mắt, thường đau tăng lên khi vận động nhãn cầu
- Giảm thị lực.
- Chảy nước mắt
- Đau đầu, đỏ mắt, sợ ánh sáng.
- Nếu viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn thường biểu hiện rầm rộ của một tình trạng viêm cấp tính. Bệnh nhân nhức mắt khó chịu, kích thích, đau tăng lên khi cử động mắt.
- Bệnh nhân nhìn mờ nhiều, có thể chỉ còn nhận thức ánh sáng hoặc không; kèm theo là dấu hiệu chói mắt, cộm mắt, trẻ nhỏ thường lấy tay che mắt hoặc quay mặt vào chỗ tối.
- Những trường hợp viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn có độc lực cao hoặc bệnh nhân đến muộn, bệnh có xu hướng trở thành viêm toàn bộ nhãn cầu (viêm toàn nhãn)- tức là viêm cả tổ chức quanh mắt.
Điều trị và hạn chế viêm mủ nội nhãn
Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ thấy phù mí mắt, có mủ trong nội nhãn, tăng áp lực ở trong mắt; một số bệnh nhân có thể bị sụp mi, lồi mắt.
Mức độ viêm nhiễm phụ thuộc nhiều vào tác nhân gây bệnh. Mi sưng đỏ, sụp mi, co quắp mi; đặc biệt trong những trường hợp viêm tỏa lan nặng ở phía trước của mắt.
Bệnh nhân có biểu hiện phù kết mạc, hoặc hoại tử kết mạc, giác mạc (tròng trắng và tròng đen của mắt), có ánh mủ vàng trong mắt khi quan sát qua lỗ đồng tử. Những trường hợp viêm nặng ở phần sau của mắt, siêu âm có thể có bong võng mạc. Kết quả cuối cùng của những mắt này thường là teo nhãn cầu hoặc thậm chí phải bỏ nhãn cầu cho dù được điều trị tích cực.
Đối với viêm mủ nội nhãn nội sinh, bệnh nhân thường có ổ viêm nhiễm đầu tiên như nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, viêm nội tâm mạc, viêm đường tiết niệu...; kèm theo có thể có sốt cao, đau đầu, giảm cân hoặc suy kiệt.
Viêm mủ nội nhãn là bệnh tối nguy hiểm trong nhãn khoa, vì vậy việc điều trị cần được tiến hành ngay khi bệnh nhân nhập viện. Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực đưa đến cơ hội tốt nhất để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở điều trị nhãn khoa ngay khi có các dấu hiệu của bệnh và nên thực hiện:
- Theo dõi và kiểm tra tình trạng mắt của mình thường xuyên, định kỳ dưới sự chăm sóc tư vấn cua bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu phải thực hiện các phẫu thuật về mắt, bạn nên thực hiện đúng theo các phương pháp chăm sóc đã được bác sĩ chỉ định trước đó.
- Có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý cho đôi mắt. Chọn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, các thực phẩm tốt cho mắt. Không nên xem tivi, máy tính, điện thoại thông mình quá lâu.
- Những người phải làm việc ở môi trường làm việc có chứa nhiều yếu tố nguy cơ như bụi bẩn, chất độc hại, môi trường bị ô nhiễm,… nên sử dụng kính bảo hộ khi làm việc.
- Không làm dụng tiêm, truyền thuốc nếu không được chỉ định, nhất là những nơi gần vùng mắt.
Xem thêm video được quan tâm:
Kẻ lạ mặt ném bom xăng vào người nữ chủ quán bán hàng ở Hải Phòng