Nhận biết bệnh mắt do ký sinh trùng

02-10-2019 14:05 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các loại ký sinh trùng (KST) và đơn bào gây bệnh ở mắt có thể là amíp Acanthamoeba spp., Toxoplasma spp. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân mắc phải nhưng không được phát hiện ra bệnh trong một thời gian dài mới đi khám.

Việc điều trị các bệnh lý như thế đôi khi gặp khó khăn vì không được xử lý ổ nhiễm KST hay đơn bào triệt để, thậm chí khi nhiễm dẫn đến kèm theo bội nhiễm vi khuẩn gây hoại tử hoàn toàn ổ mắt.

Bệnh mắt do giun đũa chó, mèo

Theo thống kê, mỗi năm, có hàng chục ca bệnh nhi nhiễm giun đũa chó được đưa vào cấp cứu tại BV Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh sau khi bệnh viện tại các tỉnh không chẩn đoán được nguyên nhân bị bệnh. Hầu hết các bệnh nhân này đều có những biểu hiện nhức đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, thậm chí liệt và tất cả đều do nhiễm nhiễm Toxocara spp.

Vì trứng của T. canis thường nằm ở miệng, mũi, mắt, hậu môn của chó, mèo, khi con người tiếp xúc với chó, mèo, ấu trùng T. canis sẽ nhiễm vào cơ thể rồi theo đường máu đến gan, phổi và những nội tạng khác. Ấu trùng có thể tồn tại hàng tháng hoặc nằm im thành những vật lạ gây viêm và kích thích tạo u hạt. Chính vì thế, những ca nhiễm T. canis thường có lượng bạch cầu tăng rất cao, đáng lưu ý là số lượng bạch cầu ái toan. Ðáng ngại là vì có nhiều biểu hiện khác nhau nên việc chẩn đoán bệnh này gặp nhiều khó khăn và rất dễ nhầm với bệnh lý thần kinh khác.

Ký sinh trùng sống ký sinh hay lạc chỗ trong mắt người bệnh.

Ký sinh trùng sống ký sinh hay lạc chỗ trong mắt người bệnh.

Bệnh mắt do giun tóc

Giun tóc T. trichura là loại giun phân bố rộng khắp, đặc biệt là ở những vùng dân cư đông, chật chội, môi trường ô nhiễm, sử dụng phân người trong canh tác. Giun tóc ký sinh trong cơ thể sẽ gây rối loạn tiêu hóa và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài các triệu chứng tại mắt, có thêm các tình trạng kích thích niêm mạc ruột có thể đưa đến hậu quả lòi rom hoặc có thể gây nhiễm trùng thứ phát như thương hàn, nhiễm vi trùng sinh mủ. Một số trường hợp giun tóc có thể chui vào ruột thừa gây viêm ruột thừa, nếu không được xử trí sớm có thể dẫn đến viêm phúc mạc, thậm chí tử vong. Khi mắc bệnh tại mắt, thường biểu hiện mi mắt phù mi, mày đay; ở kết mạc có những phỏng nước, xuất huyết dưới kết mạc; tại đáy mắt có viêm võng mạc và gây thiếu máu; cơ vận nhãn có thể là lác, rung giật nhãn cầu, rối loạn điều tiết nhãn cầu.

Bệnh mắt do giun đũa

Giun đũa người A. lumbricoides là loại KST gây bệnh phổ biến ở người. Khi giun đũa ký sinh và gây bệnh tại mắt thì biểu hiện ở mi mắt có mi mắt bị phù, da mi nổi mày đay, viêm bờ mi; tại kết mạc có viêm kết mạc, có hạt, đôi khi có giun giai đoạn còn non ở túi cùng; tại giác mạc sẽ biểu hiện viêm giác mạc bọng, viêm giác mạc nhu mô; tại đáy mắt có thể thấy xuất huyết võng mạc tái phát, phù ở cực sau võng mạc; vận động trong và ngoài nhãn cầu như nháy mắt, co quắp mi, đồng tử một bên to, một bên nhỏ, giãn đồng tử hoặc co đồng tử. Nhận biết ánh sáng có biểu hiện quáng gà và đường thị giác cho thấy viêm thần kinh sau nhãn cầu, viêm thị thần kinh và teo thần kinh thị.

Bệnh mắt do giun kim

Giun kim là loại giun nhỏ, ký sinh chủ yếu trên trẻ em nhiều hơn so với người lớn, thường trú ẩn tại rìa hậu môn của trẻ em. Bệnh cũng lưu hành khá phổ biến tại các quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.

Khi mắt bị nhiễm giun kim E.vermicularis, biểu hiện thường không điển hình ở mi mắt có viêm quầng nâu, quanh mi mắt, phù, nổi mề đay dị ứng; ở kết mạc có viêm dạng bọng nước hoặc lâu có thể viêm kết mạc mạn tính; đáy mắt xuất huyết võng mạc; vận nhãn ngoại lai thường nháy mắt, co quắp mi, lác đồng hành; vận nhãn nội tại có giãn đồng tử, co quắp điều tiết; nhận biết ánh sáng là rất sợ ánh sáng.

Bệnh mắt do giun xoắn

Giun xoắn T. spiralis là một loại ký sinh trùng rất nhỏ, thường gây bệnh cấp tính nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, bệnh phát triển có khi gây thành dịch nhỏ. Giun xoắn trưởng thành sống trong ruột non của vật chủ, đôi khi phát hiện chúng ở trong đoạn đại tràng. Ấu trùng giun xoắn T. spiralis di chuyển đến các cơ và thường đóng kén tại đó. Những động vật có thể nhiễm giun xoắn T. spiralis như lợn, chó, mèo, chuột thì số lượng giun xoắn trong máu và trong cơ rất nhiều, còn ở những loài gia cầm thì đến nay chưa thấy báo cáo đề cập nhiễm giun xoắn T. spiralis.

Khi nhiễm giun xoắn T. spiralis tại mắt, hốc mắt cho thấy lồi cả hai bên, có khi một bên to, một bên nhỏ; mi mắt phù nề cả hai mi, phù lan cả lên trán, xuống má, có khi phù cả mặt; kết mạc phù cao, có khi kết mạc phòi qua khe mi; thần kinh vận động nhãn cầu bị liệt, mắt không liếc qua liếc lại được, cũng không nhìn lên nhìn xuống được; đồng tử giãn to; đáy mắt có thể thấy phù võng mạc, những chấm xuất huyết nhỏ, rải rác có vài ba đám chất tiết màu trắng hay vàng nhạt; dây thần kinh thị giác cũng có thể bị viêm.

Bệnh mắt do giun lươn

Giun lươn có hai loài khác nhau Strongyloides stercoralis (S. stercoralis) hoặc Anguillula stercoralis (A. stercoralis). Giun thường ký sinh trong niêm mạc ruột và bám thành ruột để hút máu.

Biểu hiện bệnh giun lươn S. stercoralis ở mắt thường là gây ra vẩn đục dịch kính; đáy mắt nhạt màu, giãn tĩnh mạch võng mạc, co thắt động mạch võng mạc, xuất huyết võng mạc nhiều hình thái khác nhau.

Bệnh mắt do giun đầu gai

Loại giun Gnathostoma spinigerum này chúng ta thường gặp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Khi mắc bệnh, biểu hiện toàn thân là có những nốt abces dưới da, bệnh nhân đau nhiều trong lúc giun di chuyển trong cơ thể. Bệnh biểu hiện có thể tại nhiều bộ phận trong cơ thể, nhất là khi chúng lên não sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tử vong.

Biểu hiện tại mắt ở 3 chỗ: trong tiền phòng có giun non dài từ 2-5mm, đôi khi nhìn thấy được, kèm theo có chảy máu tiền phòng. Tại mống mắt có nốt màu xám nhạt (chứa giun), viêm mống mắt thể mi cấp hay tái phát. Đáy mắt thể hiện bằng viêm hắc mạc, xuất huyết võng mạc.

Bệnh mắt do nhiễm ấu trùng sán lợn

Một vài số liệu về các ca bệnh cho biết gần đây có nhiều ca bệnh liên quan đến ấu trùng sán lợn ở não rồi ảnh hưởng hoặc tác động trực tiếp đến mắt do loài sán dây này. Biểu hiện bệnh ở mắt do ấu trùng sán lợn là khu trú nhiều trên mắt, đa số chỉ có 1 mắt độc nhất, thường gặp nhất là ấu trùng sán nội nhãn. Khu trú hốc mắt ít gặp, nếu có ấu trùng sán xuất hiện dưới dạng một u nông căng mộng, tròn hay bầu dục, u di động, xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm cấp. Nếu khu trú ở kết mạc, dưới hình thức một nang hình tròn, phần lớn các nang này nằm ở cùng đồ hay ở góc trong của mắt, thường kèm nhiễm khuẩn. Tiền phòng có ấu trùng dưới dạng một túi màu trắng nhạt, trong mờ, đôi lúc ở bề mặt của nó có một chấm trắng (đầu của ấu trùng); ở thành của túi có những nhu động biểu hiện hoạt động của ấu trùng, phần lớn các ca như thế thì ký sinh trùng cố định vào mống mắt nhưng cũng có khi tự nó trôi tự do trong tiền phòng.


TS.BS. Hồng Quang
Ý kiến của bạn