Theo thống kê ghi nhận, năm 2014 cả nước có 107 trường hợp trẻ em bị mắc bệnh ho gà, trong đó tại Hà Nội có 23 bệnh nhân; số còn lại phát hiện ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Mới tháng 1/2015 với thời tiết chuyển mùa cũng đã xuất hiện 9 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 4 trường hợp tại Hà Nội; số còn lại ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định và có thể có khả năng phát triển thời gian đến. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều không được tiêm chủng vắcxin bảo vệ nên các bậc phụ huynh nên chú ý để chủ động ngăn ngừa sự nhiễm bệnh cho trẻ.
Đặc điểm của bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch được lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Trong môi trường sống tại gia đình kể cả trường học, bệnh ho gà có khả năng lây nhiễm qua giọt nước bọt li ti được bắn ra ở miệng người mang vi khuẩn với tỉ lệ từ 70 - 100% nên lây lan nhanh. Theo các nhà khoa học, trước đây dịch bệnh ho gà thường xảy ra có tính chu kỳ cứ mỗi 3 - 4 năm một lần. Ở những quần thể dân cư chưa có miễn dịch, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Trên thực tế, dịch bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em ở lứa tuổi đi học và trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi.
Triệu chứng bệnh lý xuất hiện sau 7 đến ngày ủ bệnh, khởi phát bằng dấu hiệu nhảy mũi, ho nhẹ rồi nước mũi chảy ra nhiều. Một hai tuần tiếp theo ho nhiều, ho dài hơn dẫn đến những cơn ho rũ rượi, khạc nhiều đờm. Vì ho nhiều, không đủ thời gian hít hơi vào, trẻ thường cố gắng hít mạnh sau mỗi cơn ho; luồng không khí hít vào nhanh qua đường hô hấp có nhiều chất đờm nhầy tạo ra âm thanh rít như tiếng rù cổ của con gà, vì vậy nên được gọi là bệnh ho gà. Những cơn ho dữ dội và kéo dài lâu sẽ làm cho trẻ bị nôn ói, mệt nhiều, khó thở; khi nôn ói nhiều dễ bị thiếu dinh dưỡng. Thực tế cho thấy cơn ho có thể tự phát hoặc xảy ra sau khi cười, nói, ngáp. Sau thời gian 1 - 2 tháng cơn ho bớt dần và có khả năng hồi phục. Tuy vậy, ho có thể kéo dài tới 3 tháng và thường phối hợp với triệu chứng nôn. Đối với trẻ nhỏ, nhiều khi thấy biểu hiện tím tái, ngạt thở và co giật. Đồng thời, bệnh làm cơ thể suy yếu, dễ bị các biến chứng thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp lực phổi, nhiễm trùng cơ hội... Vi khuẩn ho gà cũng có khả năng gây bệnh lý cho não do tình trạng thiếu khí oxy và dẫn đến tử vong. Tử vong chung của bệnh thường chiếm tỉ lệ khoảng 0,3% nhưng ở những trẻ nhỏ thì tỉ lệ tử vong có thể chiếm tới 0,5%. Thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em bị mắc bệnh ho gà nhưng kể từ ngày có loại vắcxin phòng bệnh được tiêm chủng thì tỉ lệ mắc bệnh ho gà ở trẻ em đã giảm đi rất nhiều.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Mời xem tiếp bài 2: Các loại vắcxin phòng bệnh ho gà ra ngày 23/7/2015