Trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần
Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu nhập và việc làm của người lao động, gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Đào Việt Ánh, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, quyết tâm, "biến khó khăn, thách thức thành động lực", phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, trong quý I-2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã cung cấp một số thông tin về chính sách BHXH đang được dư luận xã hội quan tâm như: Những thiệt thòi cho người lao động khi rút BHXH một lần; kết quả giải quyết chế độ BHXH cho người lao động mắc COVID-19 trong quý I-2022.
Cùng với đó là thông tin về tình hình triển khai, kết quả thực hiện ở một số lĩnh vực cụ thể của ngành BHXH Việt Nam như: Công tác thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh; việc triển khai liên thông cơ sở dữ liệu với Bộ Công an và kết quả bước đầu thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT; công tác thanh tra, kiểm tra của ngành theo phương thức điện tử.
Về tình hình rút BHXH một lần, thống kê của Ban thực hiện chính sách BHXH cho thấy, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần, giảm 3% với 4 tháng của năm trước.
Riêng trong tháng 4/2022, cả nước có trên 93.000 người rút BHXH một lần, giảm 10% so với tháng 4/2021. Phân tích nguyên nhân về số lao động nhận BHXH một lần đang có xu hướng giảm, bà Đinh Thị Thu Hiền - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH nhận định: "Tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Việc làm của người lao động mất việc dưới một năm đã được cải thiện. Nhiều người lao động từng khó khăn nay đã có thu nhập và không có ý định rút BHXH một lần".
Đồng thời, công tác truyền thông đã phần nào giúp người lao động nhận thức được những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH.
Nhận BHXH một lần: "Lợi trước mắt, hại lâu dài"
"Lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu. So sánh về quyền lợi của người rút và không rút BHXH một lần, người lao động đủ tuổi hưu có nhiều chế độ và quyền lợi hơn là rút BHXH một lần", bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết.
Ngoài lương hưu hàng tháng, nhà nước đều có sự điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu theo điều kiện kinh tế xã hội nhất định. "Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Đáng chú ý, về quyền lợi BHYT, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao. Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: "Qua theo dõi, đa phần những người rút BHXH một lần chủ yếu từ 20-30 tuổi. Đây là những người lao động gặp nhiều khó khăn về tài chính. Họ cần một nguồn kinh phí để trang trải những khó khăn hiện tại".
Tuy nhiên, ông Đào Việt Ánh cho rằng thực tế vẫn có một số không nhỏ người lao động đã rút BHXH một lần và có nguyện vọng được đóng "nối tiếp". Nhưng hiện nay, chính sách BHXH không quy định nội dung này.
"Thậm chí nhiều người đã rút BHXH một lần rồi vẫn nghĩ rằng sẽ có đầy đủ quyền lợi BHYT khi mua thẻ BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên trong thực tế, người tham gia tuy nhiên diện này chỉ có mức hưởng tối đa 80 %, còn người lao động hưởng chế độ hưu trí thì mức hưởng BHYT lên tới 95%", ông Đào Việt Ánh cho biết.