Nhân bản vô tính, phương cách chặn tuyệt chủng?

22-11-2012 11:10 | Thông tin dược học
google news

Các nhà kỹ nghệ sinh học muốn sử dụng phương pháp nhân bản để cứu lấy các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng họ chỉ mới thu được những thành công rất hạn chế.

(SKDS) - Các nhà kỹ nghệ sinh học muốn sử dụng phương pháp nhân bản để cứu lấy các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng họ chỉ mới thu được những thành công rất hạn chế. Các nhà phê bình cho rằng, việc tiến tới một kỷ nguyên bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng thì tốt nhất là bảo tồn môi trường sống của chúng.

Cứ vài lần mỗi tuần, bà Martha Gómez (Trung tâm nghiên cứu các giống loài sắp tuyệt chủng Audubon (ACRES) ở New Orleans - Mỹ), lại tạo ra một cuộc sống mới. Hôm nay, bà đặt mục tiêu “sản xuất” ra một con mèo chân đen Nam Phi. Bằng cách sử dụng một cây kim mỏng như dao cạo đặt dưới kính hiển vi, vị bác sĩ thú y này đã tiêm một tế bào lấy từ giống loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng vào tế bào trứng được lấy từ một con mèo nhà. Kế đó, bà Martha sử dụng một dòng điện.
 
Bà Martha Gómez nói: “Dòng điện 9V sẽ được kích hoạt trong vòng 5 giây, kế đó dòng điện trực tiếp 21V sẽ được kích hoạt trong vòng 35 giây”. Các tế bào trứng nhanh chóng uốn cong lại. Bong bóng xuất hiện bên trong tế bào trứng. Sau đó mọi thứ yên lặng. “Tôi sẽ kiểm tra trong vòng 30 phút nếu các tế bào hợp nhất đúng cách”, bà Martha Gómez nói.
 
Ngày hôm sau, những cái phôi nhân bản đã được cấy vào trong tử cung của một con mèo nhà, con mèo này sẽ trở thành mẹ của một giống mèo lạ. Những nhà kỹ nghệ sinh học như bà Martha Gómez đang hy vọng mở ra một kỷ nguyên mới trong việc bảo tồn đời sống hoang dã.
 
Nhân bản vô tính, phương cách chặn tuyệt chủng? 1
 Nhà kỹ nghệ sinh học Martha Gómez nghiên cứu bảo tồn động vật.
Trong một nỗ lực nhằm cứu lấy các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, họ đã phá bỏ lớp rào cản sinh học và tạo ra những cái phôi có chứa vật liệu tế bào từ 2 loài động vật có vú khác nhau. Loài linh miêu Iberia, hổ, sói Ethiopia và gấu trúc có thể sẽ được nhân bản dễ dàng thông qua những bà mẹ đại diện, vì thế có thể cứu nguy cho các thế hệ tương lai. “Nhân bản giữa các loài là một phương pháp tuyệt diệu để đảm bảo phục hồi những loài nguy cấp. Chúng ta không thể chờ đến ngày chúng thật sự biến mất”.

Tỷ lệ thành công ở mức nào?

Bà mẹ đại diện đầu tiên của một giống loài nhân bản từ một loài động vật có vú khác đã được đặt tên là Bessie. Đầu năm 2001, một con bò tót đã được mổ để lấy thai tại Mỹ. Giống bò rừng có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á đã được nhân bản bởi Công ty kỹ nghệ tế bào tiên tiến Mỹ (ACT). Tuy nhiên con bò tót con đã sống một thời gian ngắn và chết chỉ trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Kể từ đó các nhà nghiên cứu đã tiến hành hàng chục các nỗ lực nhằm nhân bản giữa các loài nhưng thành công khá giới hạn.
 
Các cá thể động vật nhân bản có thể sống khi lọt lòng “mẹ” nhưng chúng cũng chết nhanh chóng ngay sau đó. Ví dụ vào năm 2009, các nhà kỹ nghệ sinh học đã tiến hành nhân bản một con sơn dương Pyrenea. Trứng đã được hiến tặng từ một con dê thuần chủng. Sau khi sinh, con sơn dương Pyrenea đã thở hổn hển và chết sau đó 7 phút.

Nhiều thí nghiệm nhân bản đã kết thúc theo cách này. Cho đến nay, các nhà di truyền học chỉ có thể phỏng đoán các lý do. Những chuỗi thất bại liên tục không khiến các nhà nghiên cứu nản chí và họ tiếp tục nghiên cứu. Ví dụ, bà Martha Gómez đã tìm cách nhân bản các loài mèo rừng. Loài mèo rừng châu Phi đã được nhân bản thành công như Ditteaux, Miles và Otis hiện đang sống tại cơ sở nuôi thú vật tại ACRES, bất kỳ ai tiếp cận chúng đều có thể nghe thấy những tiếng gầm gừ. “Chúng đang sống khá khỏe mạnh”, bà Martha Gómez quả quyết. Ngoài loài mèo rừng châu Phi, nhà nghiên cứu Martha cũng đã tạo những cái phôi của loài mèo cát, mèo chân đen và mèo đốm gỉ.

Nhà kinh tế học Casey Mulligan viết: “Trong một số trường hợp, công nghệ nhân bản có thể rẻ hơn so với công nghệ di truyền ADN và trong tương lai nó sẽ làm phong phú hơn về bản sao các giống loài”.

Các nhà phê bình vẫn thích bảo tồn môi trường sống 

Nhà động vật học Robert DeSalle từ bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ ở New York, hoài nghi: “Ý tưởng về việc nhân bản các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng thực sự là gì? Cũng như công nghệ nhân bản không thể giải quyết vấn đề tuyệt chủng trên quy mô lớn”. Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng phản đối công nghệ nhân bản như là một giải pháp sửa chữa nhanh chóng. Bà Sybille Klenzendorf - chuyên gia của WWF cho rằng: “Môi trường sống không thể được nhân bản vô tính.
 
Một loài có nhiều hơn tổng các gen của nó. Liệu sử dụng nhân bản vô tính động vật có hiệu quả nếu chúng ta không có nhiều không gian mà các loài động vật có thể sống? Nhân bản vô tính quá tốn kém. Tiền có thể đầu tư trực tiếp vào việc duy trì môi trường sống của các loài động vật”. Dù có những khó khăn trước mắt, các nhà nghiên cứu vẫn tỏ ý lạc quan.
NGUYỄN THANH HẢI 
(Theo Der Spiegel.de - 9/11/2012)

Ý kiến của bạn